Đó là con số ấn tượng trong báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa khai mạc sáng 15/7.
Khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Đặng Trọng Thăng nêu rõ: 6 tháng đầu năm kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả toàn diện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra an toàn, đúng luật.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục : tái cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm và chưa đồng bộ; tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn nhất là về thị trường tiêu thụ; kết quả giải quyết việc làm và dạy nghề còn thấp; công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa bảo đảm tiến độ; tình hình khiếu nại, tố cáo ở các địa phương vẫn còn nhiều phức tạp; công tác cải cách hành chính ở một số ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; tệ nạn xã hội tuy có giảm nhưng chưa bền vững…
Chủ tịch HĐND tỉnh Đặng Trọng Thăng khai mạc kỳ họp.
Những tồn tại nêu trên đòi hỏi các cấp, các ngành, các vị đại biểu HĐND tỉnh phải phát huy tinh thần trách nhiệm, đề ra các giải pháp đồng bộ để khắc phục trong thời gian tới.
Báo cáo tại kỳ họp, lãnh đạo UBNBD tỉnh nêu rõ: 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 21.674,2 tỷ đồng, tăng 8,03% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ năm 2012 đến nay, cao hơn một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
Tổng giá trị sản xuất ước tăng 9,34%, trong đó sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,28%, công nghiệp - xây dựng tăng 14,87%, gấp gần 1,3 lần so với cùng kỳ, dịch vụ tăng 6,75% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 535,1 triệu USD, tăng 0,41%; nhập khẩu ước đạt 525,3 triệu USD, giảm 3,01% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký 2.429,8 tỷ đồng, có 17 dự án mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, có 164/263 xã (chiếm 62,3%) và huyện Hưng Hà đã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới; 45 xã đăng ký về đích trong năm 2016. Cải cách hành chính được chỉ đạo quyết liệt, hầu hết các thủ tục hành chính đã được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và các huyện, thành phố; thời gian giải quyết thủ tục hành chính từng bước được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân; Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2016.
Cũng trong phiên họp, HĐND tỉnh đã nghe báo cáo nội dung tờ trình của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030; Phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh năm 2016; Bãi bỏ văn bản về thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh; thông qua Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 – 2020”.
Các đại biểu cũng đã nghe Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang báo cáo nội dung các tờ trình của UBND tỉnh về việc: Đề nghị thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Thái Bình; Bổ sung các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn năm 2016; Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án năm 2016 cùng một số tờ trình quan trọng khác.
Quý Hưng / baodautu.vn