Nhiều lợi thế đang giúp các loại ôtô xuất xứ Thái Lan ngày càng đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam...
Everest thế hệ mới đã được Ford Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan thay vì lắp ráp trong nước như trước đây.
Những lợi thế về kho vận, sản phẩm và đặc biệt là thuế quan đang giúp các loại ôtô xuất xứ Thái Lan ngày càng đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam.
Ào ạt đổ bộ
Thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, đã có 2.355 ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu từ Thái Lan trong tháng 4/2016, đạt giá trị kim ngạch 41,5 triệu USD.
Mặc dù vẫn chỉ đứng thứ 2 trong số 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có xuất khẩu ôtô vào Việt Nam khi xét về giá trị kim ngạch. Nhưng xét trên số lượng, Thái Lan đã chính thức vượt qua Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng ôtô CBU xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 4/2016 đạt 2.016 chiếc, tương ứng là mức giá trị kim ngạch 75,8 triệu USD.
Tuy nhiên, cộng dồn 4 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã có một cuộc ngược dòng ngoạn mục khi vượt qua Trung Quốc một cách thuyết phục về kim ngạch xuất khẩu ôtô vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể, tổng lượng xe CBU được quốc gia này xuất khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn 4 tháng năm 2016 là 10.155 chiếc, đạt giá trị kim ngạch gần 183 triệu USD. Trung Quốc theo đó cũng đã bị đẩy lùi xuống vị trí thứ 2 với 4.216 chiếc và trên 162 triệu USD về giá trị.
Việc chính thức vượt qua Trung Quốc cả về số lượng lẫn giá trị kim ngạch đang thể hiện lợi thế rõ ràng của các loại ôtô xuất xứ Thái Lan đối với thị trường ôtô và người tiêu dùng ôtô Việt Nam.
Lưu ý rằng, hầu hết các loại ôtô nhập khẩu từ Thái Lan đều là xe du lịch (chở người dưới 10 chỗ ngồi) và xe bán tải.
Ngược lại, khi đa số các thương hiệu xe du lịch của Trung Quốc “chết yểu” ngay sau khi thâm nhập thị trường Việt Nam thì các loại xe tải và xe chuyên dụng là đối tượng chủ yếu. Đây đều là các loại xe phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh và có giá trị lớn hơn rất nhiều so với xe du lịch.
Thiên thời, địa lợi
Có mấy xu hướng khá rõ rệt tại thị trường ôtô Việt Nam. Ở các phân khúc xe tải nặng và xe chuyên dụng, ôtô xuất xứ từ Trung Quốc hầu như chỉ phải cạnh tranh với ôtô nhập khẩu từ một số nước và vùng lãnh thổ như Thụy Điển, Nga, Ukraine hay xa hơn nữa là Mỹ…
Xe Trung Quốc có giá rẻ và dường như đây vẫn là một lợi thế để người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn thay vì các loại xe có chất lượng tốt hơn song giá lại đắt hơn từ các xuất xứ khác.
Ở phân khúc xe chở khách từ 10 chỗ ngồi, lợi thế lại đang thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam và liên doanh đang hiện diện tại Việt Nam. Các nhà sản xuất có thế mạnh ở thị trường xe chở khách như Trường Hải, Daewoo Bus, Samco hay mới đây nhất là Fuso… cũng chỉ phải cạnh tranh với một số thương hiệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản như Hyundai hay Toyota.
Ồn ào nhất vẫn là thị trường xe du lịch. Ở thị trường này, nếu như các loại xe hạng sang chủ yếu có xuất xứ châu Âu và không có nhiều biến động thì các loại xe phổ thông đa dạng hơn, từ xe sản xuất trong nước đến xe nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay một “hiện tượng” mới là Ấn Độ.
Mặc dù tại thời điểm này, các yếu tố về thiên thời, địa lợi hay nhân hòa mà xe có xuất xứ Thái Lan chưa thể hiện rõ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng mạnh mẽ thời gian gần đây được coi là sự chuẩn bị cần thiết cho một giai đoạn được nhận định là sẽ cực thịnh của ôtô Thái Lan.
Câu chuyện được đề cập nhiều nhất chính là lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ôtô CBU từ các nước khu vực Đông Nam Á tại Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước thuộc khối ASEAN sẽ giảm về 0%, hiểu cách khác là… miễn thuế nhập khẩu.
Với thuế suất thuế nhập khẩu 0%, nhiều loại thuế và lệ phí khác được tính sau sắc thuế này qua đó cũng được hưởng lợi do chỉ phải tính trên giá CIF, từ đó giá bán lẻ của các loại ôtô xuất xứ ASEAN sẽ thấp hơn đáng kể so với hiện nay. Quan trọng hơn, lợi thế khi so sánh với các loại ôtô có xuất xứ khác chính là “đòn bẩy” mạnh nhất giúp ôtô nhập khẩu từ ASEAN vượt lên.
Chính sách chung được dành cho cả khối ASEAN. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á hiện nay, ôtô sản xuất tại Việt Nam chỉ phải cạnh tranh với ôtô xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia bởi đây là 2 quốc gia tập trung nhiều nhất các nhà máy sản xuất của các tập đoàn ôtô lớn trên thế giới như Ford, Toyota hay Honda…
Nếu như thuế nhập khẩu được coi là yếu tố thiên thời của xe xuất xứ Thái Lan thì khoảng cách địa lý là yếu tố địa lợi. Đối với các doanh nghiệp thì đây chính là một lợi thế không hề nhỏ trong bài toán chi phí kho vận.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu xe từ một nước láng giềng như Thái Lan cũng dễ dàng hơn với các doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch hay thay đổi kế hoạch sản phẩm, kinh doanh nhằm thích ứng với những biến động trên thị trường hay điều chỉnh chính sách nhà nước.
Rõ ràng những lợi thế mà ôtô CBU xuất xứ từ Thái Lan đang có lợi thế rất lớn trong cuộc cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Dù còn một năm rưỡi nữa mới đến thời điểm năm 2018 song có thể thấy rõ ngay từ lúc này, ôtô nhập khẩu từ quốc gia láng giềng đã bắt đầu thể hiện ngày càng rõ vai trò áp đảo của mình.
Đối với các hãng xe có nhà máy tại Việt Nam, xu hướng này cũng thể hiện rõ bằng số lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan ngày càng nhiều trong danh mục sản phẩm bán ra thị trường. Từ các mẫu xe bán tải như Ford Ranger, Chevrolet Colorado, Nissan NP300 Navara đến các mẫu xe du lịch Honda Accord, Ford Everest…
Thậm chí một “đại gia” có danh mục sản phẩm dày đặc và sở hữu tỷ lệ nội địa hóa tốt nhất như Toyota cũng bắt đầu nhìn vào xu hướng này. Đến như mẫu xe đa dụng đang bán chạy như Fortuner thì thời gian gần đây cũng đã xuất hiện những đồn đoán về việc Toyota Việt Nam sẽ nhập khẩu thế hệ mới từ Thái Lan thay vì lắp ráp trong nước. Chưa biết tính xác thực của những đồn đoán đến đâu, song thực tế, điều đó đang chứng minh khá rõ nét tương lai của một “cường quốc” ôtô xuất xứ Thái Lan.
Đó xem ra cũng đang một lần nữa cảnh báo cho tương lai của ngành công nghiệp ôtô trong nước.
Kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc theo nước/vùng lãnh thổ | |||||
Tháng 4/2016 | 4 tháng 2016 | ||||
Stt | Nước | Lượng (chiếc) | Giá trị (USD) | Lượng (chiếc) | Giá trị (USD) |
1 | Ấn Độ | 1.191 | 10.132.931 | 2.363 | 22.832.607 |
2 | Anh | 55 | 3.341.582 | 270 | 12.755.985 |
3 | Canada | 9 | 448.285 | 39 | 1.301.616 |
4 | Đức | 280 | 9.055.297 | 881 | 28.102.814 |
5 | Hàn Quốc | 1.818 | 32.482.684 | 5.369 | 89.768.047 |
6 | Mỹ | 233 | 2.976.999 | 656 | 26.934.516 |
7 | Indonesia | 110 | 1.629.999 | 943 | 11.821.104 |
8 | Nga | 230 | 12.912.200 | 607 | 44.567.060 |
9 | Nhật Bản | 869 | 40.823.144 | 2.528 | 105.076.790 |
10 | Pháp | 3 | 799.649 | 10 | 1.873.476 |
11 | Thái Lan | 2.355 | 41.546.710 | 10.155 | 182.872.570 |
12 | Trung Quốc | 2.016 | 75.807.355 | 4.216 | 162.357.312 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Đức Thọ / VnEconomy