Việt Nam là địa bàn đầu tư quan trọng trong khu vực của chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam thu hút FDI từ đất nước này.
Đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam tập trung nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến nay, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào 440 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 7,7 tỷ USD. Thái Lan đứng thứ 10/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư của Thái Lan có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư .
Giai đoạn Việt Nam thu hút đầu tư mạnh nhất từ Thái Lan là giai đoạn 2006-2008. Nếu như các quốc gia ASEAN trong giai đoạn này đầu tư vào Việt Nam đạt 23,3 tỷ USD, riêng Thái Lan đã đầu tư vào Việt Nam 5 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng vốn đầu tư từ ASEAN.
Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam tập trung nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện nay, các nhà đầu tư quốc gia này đã đầu tư vào Việt Nam 205 dự án vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7,037 tỷ USD, chiếm 87,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, dự án lớn nhất trong lĩnh vực này là dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam có quy mô đầu tư lên tới 3,77 tỷ USD.
Gần đây, bên cạnh lĩnh vực trên, nhà đầu tư Thái Lan chuyển hướng sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng công nghiệp và lĩnh vực phân phối bán lẻ. Điển hình trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng là dự án liên doanh giữa Công ty Amata VNPCL (Thái Lan) và Sonadezi Biên Hòa. Lĩnh vực bán lẻ, nổi lên dự án Công ty TNHH MM Mega market đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh với quy mô vốn 36 triệu USD.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Thái Lan và Việt Nam gần về địa lý, tương đồng về văn hóa. Chính phủ hai nước cũng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác đầu tư nên đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư vào ngày 7/2/1992. Do vậy, các nhà đầu tư Thái Lan không gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam và Thái Lan cũng hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ các quốc gia ASEAN. Hai bên đã thể hiện vai trò tích cực trong khu vực, cùng các thành viên khác quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng lớn mạnh.
Không chỉ Chính phủ Thái Lan khuyến khích doanh nghiệp (DN) nước này đầu tư vào Việt Nam mà Chính phủ Việt Nam cũng coi Thái Lan là đối tác đầu tư quan trọng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Việt Nam mong muốn DN Thái Lan tăng cường hợp tác đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực mà quốc gia này có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thực phẩm và xe hơi, nông nghiệp.
Để thu hút FDI từ Thái Lan, Việt Nam đã và đang tiến hành một số giải pháp như: Thúc đẩy các chương trình xúc tiến đầu tư được tổ chức hàng năm giữa hai nước; vận động đầu tư Thái Lan theo hình thức mới, chọn các dự án trọng điểm; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Thái Lan tại Việt Nam; nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp, tạo sự gắn kết giữa FDI Thái Lan và DN trong nước; kêu gọi đầu tư Thái Lan vào các lĩnh vực thế mạnh của họ mà Việt Nam đang có nhu cầu như phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng.
Nha Trang / DĐDN