Kể từ năm 2012, người Thái coi Việt Nam là mỏ vàng và đầu tư ồ ạt vào Việt Nam. Theo số liệu tháng 2/2017, Thái Lan đứng thứ 10 trong số 102 nhà đầu tư FDI vào nước ta.
Thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1976, bảo hộ đầu tư bắt đầu từ năm 1991 nhưng phải đến năm 2012, người Thái bắt đầu tấn công mạnh vào thị trường Việt Nam. Bởi họ nhận thức rõ những thuận lợi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mang lại.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch đầu tư, trong năm năm gần đây, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể:
Từ tháng 2/2011- 2/2012: Thái Lan đầu tư vào Việt Nam khoảng 5,9 tỷ USD. Với số vốn này, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 11 ở Việt Nam và lớn thứ ba trong số các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có đầu tư vào Việt Nam.
Hầu hết vốn đầu tư của các công ty Thái tại Việt Nam tập trung vào các ngành thực phẩm chế biến, giấy, nhựa, thức ăn chăn nuôi, và linh kiện xe máy.
Năm 2013: Thái Lan có 333 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký lên 6,4 tỷ USD, xếp thứ 10 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; xếp thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan tập trung vào hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối.
Năm 2014: Các nhà đầu tư Thái Lan có 374 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD và xếp thứ 10/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Thái Lan dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 179 dự án và 5,65 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 47,8% tổng số dự án và 84,5% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam).
Năm 2015: Các nhà đầu tư Thái Lan có hơn 400 dự án vào Việt Nam, tương đương với hơn 7 tỷ USD. Mặc dù vậy, Thái Lan lại tụt hạng, xếp thứ 14 trong tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2016: Các nhà đầu tư Thái Lan có 428 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,88 tỷ USD, xếp thứ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được các đại gia Thái Lan xem là thị trường "màu mỡ" nhất với khoảng 200 dự án, chiếm gần 7 tỷ USD vốn đầu tư, tương đương 88% vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.
Đứng thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Còn lại tập trung vào các ngành bán lẻ, xây dựng…
Đến tháng 2/2017: Các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào 440 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 7,7 tỷ USD, đứng thứ 10/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.
Đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam tập trung ở các lĩnh vực, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hiện nay, các nhà đầu tư quốc gia này đã đầu tư vào Việt Nam 205 dự án vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7,037 tỷ USD, chiếm 87,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, dự án lớn nhất trong lĩnh vực này là dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam có quy mô đầu tư lên tới 3,77 tỷ USD.
Gần đây, bên cạnh lĩnh vực trên, nhà đầu tư Thái Lan chuyển hướng sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng công nghiệp và lĩnh vực phân phối bán lẻ.
Cục Đầu tư nước ngoài cho hay Việt Nam được coi là địa bàn đầu tư quan trọng trong khu vực của chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam thu hút FDI từ đất nước này.
Thế Trần
Theo Trí Thức Trẻ