Những bao trà mở sẵn mời gọi người mua ở chợ trà xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Thái Nguyên quả không hổ danh là xứ “mở mắt thấy trà”. Trên địa bàn tỉnh có tới hàng chục chợ chuyên doanh, không chỉ là những chỗ mua bán trà mà còn là nơi để những người làm trà, yêu trà tụ họp thử trà và bình phẩm. Những người buôn trà sành điệu chọn trà ra sao? Con đường nâng chất lượng và mở rộng thị trường của trà Thái Nguyên như thế nào?
Chén đựng chén úp
Năm giờ sáng, bà Lê Thị Đào, 68 tuổi, vội thức dậy cùng con trai ra xã Phúc Xuân, trung tâm thành phố Thái Nguyên để chuẩn bị cho phiên chợ trà. “Dinh cơ” của bà tại đây là một căn phòng rộng hơn chục mét vuông chứa những thùng, xô, chậu, phích, những chiếc bàn dài và ghế băng bằng gỗ, mấy rổ đựng cả trăm chiếc chén sứ trắng.
Đầu tiên, bà đi nhóm mấy bếp than tổ ong, đặt lên đó các siêu nước, rồi bà cùng con trai khênh bàn ghế ra kê thành một dãy trong khu nhà lồng chợ. Tiếp đến, bà mang rổ chén sứ ra xếp lên bàn, khi bà quay về dãy bếp than thì nước cũng vừa sôi. Rót đầy nước vào mấy chục cái phích, bà đặt vào cái hộc được đóng ở mỗi đầu bàn hai, ba phích. Khoảng 6 giờ rưỡi là bà đã có thể thảnh thơi pha một ấm trà ngồi nhâm nhi. Mấy chục năm nay bà Đào đã quen với nếp ấy. Có bốn, năm người khác cũng như bà, đã chuẩn bị xong bàn, ghế, chén, phích nước sôi.
Tiếng động cơ ô tô, xe máy, tiếng người nói xôn xao bắt đầu rộ. Người từ khắp nơi chở những bao tải trà nghễu nghện sau xe máy hoặc chất đầy trong thùng ô tô tải đổ về chợ. Mỗi người chiếm một góc để đặt những bao tải trà xuống nền xi măng của nhà lồng chợ. Miệng bao mở sẵn. Khoảng 7 giờ sáng, người mua bắt đầu đến và chợ lập tức sôi động. Hai mươi cái bàn gỗ, mỗi bàn đặt hai phích nước sôi và hai chục cái chén. Người bán đã mở sẵn những bao trà tươi cười, đon đả mời chào. Người mua vui chân dừng lại, một tay thọc vào bao nhúm một nhúm trà thả vào lòng bàn tay kia, dàn đều để cảm nhận bằng tay, ngắm bằng mắt, đưa lên mũi ngửi. Nhưng pha trà mới là công đoạn quan trọng nhất. Thả nhúm trà vào một cái chén, mở phích rót nước sôi ngập trà rồi đổ đi để tráng; tiếp tục rót nước sôi ngập trà và lấy một cái chén khác úp lên trên. Hãm chừng mười giây, người mua cầm hai chén trà lên chuyên nước sang nhau để ngắm màu nước, ngửi hương, nhấp vài ngụm mà cảm nhận vị. Khép kín một quy trình thử trà là hình (của búp, cánh), sắc, hương, vị (của nước) và hình (của bã).
Ba cây một chợ, năm ngày hai phiên Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 105 chợ nông thôn, trong đó có 17 chợ đầu mối lớn về trà, mỗi chợ cung cấp từ 40-200 tấn trà/năm. Mỗi tháng, chợ nào họp ít cũng bốn phiên, nhiều thì mười hai phiên. Người dân Thái Nguyên có câu: “Ba cây (ki lô mét) một chợ, năm ngày hai phiên” hoặc “Ba cây một chợ, mười ngày bốn phiên” để chỉ mật độ và thời gian diễn ra các chợ trà trên địa bàn tỉnh. Trong 158.700 tấn sản lượng trà búp tươi, tương đương 32.000 tấn trà thành phẩm/năm của tỉnh, có khoảng 80% bán tại chợ nông thôn với giá bình quân 60 triệu đồng/tấn, doanh thu khoảng 19.200 tỉ đồng. Ông Trần Quốc Vượng (1934-2005), cố giáo sư sử học, nói rằng chợ là cái dạ dày của làng. Đó là khía cạnh kinh tế. Còn về khía cạnh văn hóa, ông Michael DiGregorio, tiến sĩ chuyên ngành môi trường, Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, cho rằng: “Chợ là không gian rất sống động để bạn cảm nhận về văn hóa của một nơi chốn, với nhiều màu sắc, nhiều mùi vị. Đến chợ, bạn gặp rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, được nghe những câu chuyện rất đời thường. Du khách sẽ đến chợ, nơi họ có thể mua những sản vật mà họ không thấy ở những chỗ khác”. |
Những lời trao lời, mắt nhìn mắt: “Nước kém lắm”, “Không lên hương”, “Ốp khô quá nó xơ chè”, “Chất chè quá êm”, “Cánh đẹp”, “Nước xanh đấy”...; rồi những lời mặc cả, bán mua: “Hai mươi thôi”, “Hai sáu mới bán”...
Ông Đỗ Tuấn Anh, 59 tuổi, về sinh sống ở phường Thịnh Đán từ 29 năm nay. Ông có thú vui là đến chợ “tuyển chè để uống và tặng anh em”. Lần này ông than phiền: “Một tiếng (giờ) tôi pha mấy chục chén mà vẫn chưa được. Đáng ra mùa này chè ngon lắm, thế mà năm nay thợ nào cũng kêu, do bà con phun thuốc sâu nhiều quá...”.
9 giờ 15 phút, chị Nguyễn Thị Oanh, 33 tuổi, ở xóm Hồng Thái, xã Tân Cương đã nở nụ cười tươi vì chị chở xuống chợ gần 50 ký trà thì đã bán được 30 ký với giá 260.000 đồng/ký. Về giá cả, chị cho biết: “Thấp nhất thì 20 (200.000 đồng/ký), 22 (220.000 đồng/ký); cao nhất là chè đinh (chỉ hái một tôm so với các loại trà khác là hái một tôm hai lá) là ba triệu sáu (3,6 triệu đồng/ký)”. Hai, ba trăm người ken đầy chợ, người bán, kẻ mua, người đi khảo giá, kẻ chỉ đi chơi, đủ giọng điệu, đủ nét mặt, đủ tâm trạng nhưng đều gặp nhau ở những chén trà.
Bà Đặng Thị Dung, 45 tuổi, đã có 30 năm kinh nghiệm buôn trà. Bao giờ bà cũng ở lại chợ cho đến lúc “không còn người nữa thì thôi, hết chè mới về”. Phiên này bà mua được 50 ký mang về nhà ở thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên để bán buôn và bán lẻ. Bà là người cuối cùng rời chợ vào lúc 10 giờ 45 phút.
Chợ trà Phúc Xuân hình thành từ 27 năm nay, họp từ khoảng 7 giờ đến 11 giờ vào các ngày 1, 4, 6, 9, 11, 14, 16, 19, 21, 24, 26, 29 âm lịch hàng tháng và được đánh giá là một trong những chợ có quy mô lớn nhất về lượng trà giao dịch và số người tham gia buôn bán thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân, ước tính trung bình mỗi phiên chợ người dân mua, bán từ 1,2-1,4 tấn trà. Giá cả cũng rất đa dạng, có cả loại trà giá chỉ 100.000 đồng/ký.
“Chè Cài, gái Hích”
Chợ trà Trại Cài đã hình thành từ 32 năm nay. “Chè Cài, gái Hích” là thành ngữ của người Thái Nguyên nói về đặc sản trà Trại Cài và vùng gái đẹp phố Hích thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Chợ trà Trại Cài họp ngày 2, 5, 7, 10, 12, 15, 17, 20, 22, 25, 27, 30 âm lịch hàng tháng, đông nhất là phiên chính vào ngày 10 và ngày 15. Từ đây, trà đặc sản của các xã Minh Lập, Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ) đến được với những người uống trà trong, ngoài tỉnh và vì thế, trà xuất xứ từ chợ Trại Cài ngày càng được nhiều người biết tiếng.
Ông Nguyễn Minh Hoan, Phó chủ tịch UBND xã Minh Lập, cho biết mỗi phiên chợ (họp từ 7 giờ đến 10 giờ) có tới hơn 10 tấn trà búp khô của vùng Trại Cài theo chân những người buôn tỏa đi khắp nơi, cả các tỉnh miền Trung. So với khoảng chục năm trước thì lượng trà giao thương ở chợ Trại Cài đã tăng gấp 3, 4 lần. Mỗi năm, vùng trà Trại Cài cung cấp cho thị trường gần 700 tấn trà búp khô.
Chợ trà Minh Tiến hồi sinh
Anh Nguyễn Văn Thanh, 36 tuổi, ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ là người đi khắp các chợ trên địa bàn tỉnh để buôn bán trà. Gặp nhau ở chợ trà Trại Cài, anh rủ tôi đi một chợ trà mới hồi sinh sau gần 30 năm vắng bóng.
Xã Minh Tiến nằm ở ngã ba của ba huyện Đại Từ - Phú Lương - Định Hóa, là một xã thuần nông cách trung tâm huyện Đại Từ tới hơn 20 ki lô mét về phía Tây Bắc. Từ những năm 1990 trở về trước, chợ Minh Tiến đã hoạt động nhộn nhịp, hàng ngày thu hút sự tham gia của người dân trong xã và cả nhiều người từ các xã phía Nam huyện Định Hóa và phía Tây huyện Phú Lương. Nhưng rồi do những biến động xã hội, nhiều năm qua chợ chỉ hoạt động cầm chừng. Nông sản lớn nhất, giá trị nhất là trà đều được người dân mang đi bán tại chợ Phú Cường, cách trung tâm xã Minh Tiến khoảng 6 ki lô mét.
Lượng trà bày bán tại chợ Phú Cường có tới 50% là trà từ Minh Tiến đưa xuống. Trong sâu thẳm tâm hồn, người dân Minh Tiến đều mong mỏi được bày bán những tinh hoa lao động của mình tại quê hương, mong được góp phần tái lập chợ Minh Tiến nhộn nhịp, trù phú như mấy chục năm về trước. Mong muốn chính đáng ấy đã trở thành hiện thực. Ngày 25-9-2015, chợ trà Minh Tiến chính thức được tái lập. Bà Đinh Thị Lực nói trong sự hồ hởi: “Tôi đã gần 60 tuổi, tính đến hôm nay cũng gần 30 năm rồi mới lại được họp chợ nhà để mua bán gần gũi, ấm cúng...”.
Xuất khẩu chưa xứng với vị thế Giá trà xuất khẩu của Thái Nguyên cao hơn mức bình quân cả nước: giá trà đen từ 2.200-2.500 đô la Mỹ/tấn, trà xanh từ 2.800-3.500 đô la Mỹ/tấn, nhưng lượng trà xuất khẩu không nhiều và đang có xu hướng giảm dần, mặc dù ngày càng có nhiều đơn vị tham gia xuất khẩu. |
Chợ trà Minh Tiến họp vào các ngày trùng với chợ trà Trại Cài. Chợ họp từ 6 giờ sáng đến tầm 12 giờ là tan. Hôm đông nhất có đến mười mấy chiếc ô tô loại trọng tải từ 150 - 750 ký đến chợ lấy trà. Bà Nguyễn Thị Nụ, 52 tuổi, ở thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, đi buôn trà từ 30 năm nay.
Phiên này bà mua được 400 ký, giá đắt nhất là 270.000 đồng/ký. Bà cho biết: “Mang chè về nhà tôi phải quay lại bằng tôn quay, giần, sẩy, đánh hương rồi mới đóng gói bán đi các nơi”. Mỗi năm, bà Nụ bán được từ 50-70 tấn trà. Những gói trà Thái Nguyên hiệu Đức Nụ của gia đình bà xuất đi nhiều địa phương trong cả nước, xa nhất là vào tới quận 10, TPHCM.
Cũng ở huyện Đại Từ, chợ trà La Bằng họp phiên chính vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 và phiên xép vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hàng tháng. Trung bình mỗi phiên có từ 7-10 ô tô tải từ các nơi về nhập trà. Chợ trà La Bằng còn có cả trà ở nơi khác mang đến bày bán. Giá trà búp khô loại ngon bán tại các phiên luôn ở mức trên 400.000 đồng/ký...
Trà ướp xác
Ở mỗi chợ trà đều có những người kê bàn, bày chén, phích, đun nước sôi miễn phí cho thợ thử trà. Họ đun liên tục, cứ phích vơi lại tiếp đầy, mỗi phiên hết cả trăm lít nước sôi để phục vụ người đi chợ pha trà. Đổi lại, họ lấy bã trà mà người ta mới pha một nước để thử, vắt khô, đóng bao mang về phơi, cho cám trà ngon vào sao lại (5 ký bã sao được 1 ký trà khô) rồi bán với giá từ 40.000-50.000 đồng/ký cho những người buôn trà để pha trộn, hoặc cho những người bán quán nước. Mỗi phiên, họ gom được khoảng 20-30 ký bã. Có người bán luôn bã ướt cho các cơ sở sao trà với giá 10.000 đồng/ký. Đây chính là loại mà dân trong nghề gọi là trà ướp xác.
Ngoài ra, họ được mỗi người bốc cho một nắm trà khô bỏ vào cái hộp để trên mặt bàn, mỗi phiên cũng được khoảng 1 ký. “Mỗi phiên chưa kiếm được một triệu (đồng)”, bà Lê Thị Đào cho biết.
Cũng có người chỉ mang đến chợ mỗi cái cân bàn 100 ký. Bà Sở, một người cho thuê cân, cho biết: “Ba mã (ba lần cân) năm nghìn (đồng). Nhưng cũng tùy người ta, trả được đồng nào thì trả”.
Nâng chất
Những người có hàng chục năm kinh nghiệm buôn trà chỉ cần nhìn màu nước, ngửi hương là phân biệt chính xác từng loại trà - ở đâu mang đến, bón bằng phân hữu cơ hay phân hóa học, trà sao đúng độ hay quá lửa... Trà sao quá lửa thì nhiều cám, cánh không đều, nước đục, hương không dậy.
Nhà nghiên cứu văn hóa trà - ông Vũ Quý Nhân (thường được biết đến với nghệ danh Mông Nông Vũ), nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Thái Nguyên, đúc kết: trà ngon là nước phải xanh, sánh, ngọt hậu, dư vị lan tỏa; phải đạt được ngũ quý là sắc - khí - hương - vị - thần.
Hoạt động sản xuất trà ở Thái Nguyên đang chuyển dịch theo hướng tích cực với sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm không ngừng nâng cao. Năm 2015, diện tích trà trong toàn tỉnh là hơn 21.000 héc ta (đứng thứ hai trong cả nước sau tỉnh Lâm Đồng); sản lượng đạt gần 195.000 tấn trà búp tươi; sản lượng trà chế biến là hơn 41.000 tấn trà khô chế biến.
Đến nay, đã có 775 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Toàn tỉnh Thái Nguyên có 34 doanh nghiệp chế biến trà có quy mô, dây chuyền sản xuất đồng bộ và gần 60.000 cơ sở chế biến trà quy mô hộ gia đình. Tập trung vào chất lượng, người làm trà ở một số vùng trà đặc sản như Tân Cương, Phúc Xuân, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh... đã sản xuất được một số dòng sản phẩm cao cấp mang lại giá trị cao với mức giá từ 1-4 triệu đồng/ký.
Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, cho biết với tỷ lệ 56,4% trà giống mới, năng suất vượt trên 110 tạ/héc ta, mục tiêu của Thái Nguyên đến năm 2020 là tăng tỷ lệ diện tích trà giống mới lên 80% trong tổng diện tích trà của tỉnh dự kiến đạt 23.000 héc ta; năng suất trà búp tươi đạt 115 tạ/héc ta; sản lượng đạt 240.000 tấn, trong đó nguyên liệu trà búp tươi cho sản xuất sản phẩm trà xanh chất lượng chiếm 80% trở lên.
Giai đoạn 2016-2020, Thái Nguyên dự kiến xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất trà an toàn tại các huyện Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên...
Đỗ Quang Tuấn Hoàng / TBKTSG