Thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, trong năm qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo tỉnh, bên cạnh đó là ý chí quyết tâm cao, đồng sức, đồng lòng của cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý và các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp trong KCN.
Do vậy, hoạt động quản lý nhà nước về KCN của Ban Quản lý tiếp tục đạt được kết quả tốt, trong đó phải kể đến công tác thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn đã có những bước tiến đáng khích lệ, đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trong cả nước, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, FDI được coi là nguồn lực đầu tư chủ yếu, quan trọng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của tỉnh là: “sớm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020”.
Hoạt động xúc tiến đầu tư
Ban Quản lý đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các KCN bằng nhiều hình thức như: tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, cổng thông tin điện tử; chỉ đạo và trực tiếp phối hợp với các Công ty xây dựng hạ tầng KCN trong công tác xúc tiến đầu tư; thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm nguồn lực, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đi kèm là thu hút đầu tư công nghiệp phụ trợ để tạo ra sản phẩm đồng bộ tại các KCN, đặc biệt chú trọng các dự án FDI từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, EU… Tiếp tục phát huy hiệu quả của phương pháp xúc tiến đầu tư tại chỗ gắn với công tác chăm sóc, hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án đang hoạt động, triển khai nhằm duy trì môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn trong KCN.
Kết quả thu hút đầu tư
KCN Yên Bình: Đã thu hút được 06 dự án, với tổng số vốn đăng ký 1.766 tỷ đồng và 3,38 tỷ USD. Trong đó, có 03 dự án FDI thuộc Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT, SEMCO và Hansol), 03 dự án trong nước là dự án hạ tầng KCN Yên Bình, dự án Cụm cảng hàng không và dự án dịch vụ Logistics.
KCN Điềm Thụy (phần diện tích 180ha): Đã vận động và thu hút được 21 dự án FDI làm phụ trợ cho Tập đoàn Samsung với quy mô vốn đăng ký khoảng trên 300 triệu USD, bao gồm các dự án: KSD Vina; Morips Vina; Orientech Vina; Rftech Vina Thái Nguyên; Sinlung Vina Thái Nguyên; CTS Vina;… Trong đó, đã cấp Giấy chứng đầu tư cho 11 dự án, các dự án còn lại đã ký thỏa thuận địa điểm thuê đất; nộp tiền đặt cọc và đang làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự quán các thủ tục đầu tư từ nước ngoài và hoàn tất thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 01 và tháng 02/2014.
KCN Điềm Thụy (phần diện tích 170ha): Đã vận động và thu hút được 02 dự án đầu tư với quy mô đăng ký là 13 triệu USD là dự án Jinling High Tech và Dự án Uju Việt Nam Thái Nguyên.
KCN Sông Công 1: Đã thu hút và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 03 dự án đầu tư. Trong đó có 01 dự án trong nước làm nhà xưởng cho thuê với vốn đăng ký 59 tỷ đồng và 02 dự án làm phụ trợ cho Tập đoàn Samsung với vốn đăng ký là 7 triệu USD.
KCN Nam Phổ Yên: Đã thu hút và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 01 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và thực phẩm đồ uống với quy mô vốn đăng ký 414 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2013, các KCN tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 28 dự án FDI với vốn đăng ký 3,7 tỷ USD và 06 dự án trong nước với vốn đăng ký là 2.239 tỷ đồng. Trong đó, vốn thực hiện ước đạt gần 1 tỷ USD và gần 2.000 tỷ đồng.
Một số bài học kinh nghiệm
“Tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn” là phương châm hoạt động mà mỗi cán bộ, công chức viên chức Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên thấm nhuần, luôn tận dụng tốt mọi cơ hội thuận lợi và biến những khó khăn, thử thách trước mắt thành động lực để phấn đấu. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nói riêng, Ban đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm chủ yếu:
- Thứ nhất, cần có sự ủng hộ của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương; kết hợp với sự chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của các lãnh đạo tỉnh.
- Thứ hai, có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án các KCN. Phải tạo được niềm tin cho nhà đầu tư vào hệ thống chính sách và sự quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị vì mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển.
- Thứ ba, xây dựng được quy hoạch KCN, KKT ổn định, hiện đại và bền vững mang tầm nhìn quốc tế, quốc gia; gắn với quy hoạch định hướng không gian kiến trúc cảnh quan và không gian kinh tế, đáp ứng cho sự phát triển hài hòa, năng động, bền vững trên cả ba mặt: kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời có khả năng kết nối, giao lưu và hội nhập với môi trường kinh tế quốc tế và khu vực.
- Thứ tư, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư về kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các KCN, đặc biệt là hạ tầng giao thông đối ngoại và đối nội tại các KCN và các hạ tầng thiết yếu khác như điện, nước, xử lý nước thải, hạ tầng xã hội, hạ tầng giáo dục và đào tạo liên quan đến vùng dự án KCN.
- Thứ năm, căn cứ vào lợi thế so sánh của tỉnh, tiếp tục phát huy và đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng phân loại rõ ràng các dòng FDI có lợi thế để thu hút đầu tư vào tỉnh; thường xuyên tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã đầu tư và coi đó là một kênh vận động thu hút đầu tư hiệu quả nhất.
- Thứ sáu, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư, sản xuất kinh doanh và các thủ tục có liên quan nhằm tiết kiệm thời gian cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để nhà đầu tư tiếp cận một cách thuận lợi.
Định hướng thu hút đầu tư
Để tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN trong thời gian tới, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI vào các KCN. Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên tiếp tục kế thừa những bài học kinh nghiệm quý báu về thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua; đồng thời kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ khác để tập trung thu hút đầu tư những lĩnh vực sau:
- Một là, tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin gắn với hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ làm động lực tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội trong vùng dự án KCN và ngoài vùng.
- Hai là, tập trung thu hút các dự án FDI tronh lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, chú trọng đến công nghiệp phụ trợ phục vụ cho Samsung và các tập đoàn điện tử khác; thu hút công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, đi kèm là công nghiệp phụ trợ phục vụ cho nhóm ngành cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời, kết hợp thu hút các dự án FDI sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao để phục vụ chính cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp KCN.
- Ba là, tiếp tục vận động, thu hút và lựa chọn các nhà đầu tư FDI làm chủ đầu tư hạ tầng có năng lực tài chính mạnh, phương pháp quản lý tiên tiến, hiệu quả để đảm nhận nhiệm vụ chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng các KCN.
- Bốn là, tập trung thu hút các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các loại hình dịch vụ tài chính - tín dụng khác để cung cấp nguồn lực tài chính và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp KCN.
Nguồn: BQL các khu công nghiệp Thái Nguyên