Trao đổi với Báo DĐDN, ông Hoàng Thái Cương – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Thái Nguyên mong muốn, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ, bền vững, lâu dài với các nhà đầu tư và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh thuận lợi, hiệu quả.
Thái Nguyên được xác định là Trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng Trung du Miền núi phía Bắc. Bên cạnh các tiềm năng lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông, tài nguyên, khoáng sản, du lịch, chất lượng nguồn nhân lực, những năm gần đây tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.
Điểm đến tin cậy
Theo ông Hoàng Thái Cương – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trước năm 2011 số dự án FDI của Thái Nguyên là 25 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 255 triệu USD, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 96 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 7,2 tỷ USD. Trong số này phải kể đến dự án của Tập đoàn Samsung đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Bình, với số vốn đăng ký của Tập đoàn khoảng 6,38 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, có 07 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Đức và Nhật Bản. Trong đó, các Nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất kể cả về số lượng nhà đầu tư lẫn tổng vốn đầu tư đăng ký.
Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có gần 700 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, với số vốn đăng ký khoảng 15 tỷ USD. Các dự án này đã và đang được triển khai thực hiện, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Những kết quả đã đạt được là nền tảng quan trọng để Thái Nguyên phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn của tỉnh. Thái Nguyên đang mong muốn và kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào tỉnh Thái thông qua một số dự án lớn làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế.
“ Chúng tôi sẽ đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư đề ra trong khả năng, khuôn khổ pháp luật và tỉnh cũng hỗ trợ tối đa các nội dung liên quan.„
Nền tảng cũ, động lực mới
Cụ thể, đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch là các dự án thành phần thuộc Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu vực hai bên bờ sông Cầu, phía Bắc thành phố Thái Nguyên (Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/2000) có tổng diện tích 187 ha.
Một dự án lớn khác Các dự án thành phần thuộc Quy hoạch xây dựng vùng du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch xây dựng vùng du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc, có diện tích 18.940,77ha. Trong đó diện tích thuộc thành phố Thái Nguyên 5.452,19 ha; diện tích thuộc huyện Đại Từ 10.053,08 ha; diện tích thuộc huyện Phổ Yên 3.435,5 ha. Quy hoạch được chia thành 5 khu chính: Khu du lịch, thể thao và thương mại dịch vụ tổng hợp; Khu giải trí, sân golf, du lịch sinh thái và vui chơi có thưởng; Trung tâm hành chính mới và du lịch sinh thái; Khu đô thị và dịch vụ du lịch – thị trấn Quân Chu…
Thái Nguyên cũng tập trung phát triển các dự án BĐS để đáp ứng nhu cầu của người dân: Các dự án thành phần thuộc Quy hoạch Khu Đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên có diện tích khoảng 1.500 ha, với tính chất là trung tâm chính trị hành chính, văn hoá thể thao, thương mại dịch vụ, đô thị của tỉnh Thái Nguyên; Các dự án thành phần thuộc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 445ha.
Đặc biệt, Thái Nguyên sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vốn được coi là một trong những thế mạnh của tỉnh với trọng tâm là Khu nông nghiệp kỹ thuật cao thuộc Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình thuộc hai huyện Phổ Yên và Phú Bình có diện tích đất 8.009 ha. Trong đó, Khu nông nghiệp công nghệ cao AgroPark Yên Bình là mô hình sản xuất nông nghiệp liên hợp, cho phép phối hợp nhiều hoạt động nông nghiệp khác nhau, tạo nên hệ thống cải tiến liên hoàn trong sản xuất, chế biến và vật tư nông nghiệp đô thị.
Đây là một mô hình mới, hoàn chỉnh về nông nghiệp công nghệ cao; được quy hoạch và phát triển theo mô hình nông nghiệp tiên tiến trên thế giới kết hợp với ưu thế của địa phương để tạo thành một khu nông nghiệp hiện đại và đồng bộ của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, khu vực và Việt Nam nói chung. Agropark Yên Bình sẽ là vùng lõi đóng vai trò trung tâm, kết hợp vùng với vùng đệm và vùng phụ trợ tạo sự phát triển, nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả.
Một tiềm năng lớn của Thái Nguyên không thể không nhắc tới là hiện nay diện tích rừng tự nhiên của tỉnh trên 73.400 ha và rừng trồng hơn 40.000 ha đã đến tuổi khai thác. Nguồn nguyên liệu này không những đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy hiện có mà còn là tiềm năng rất lớn cho việc chế biến lâm sản tạo hàng hoá có giá trị cao.
Mặt khác, Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sản phẩm từ hoa quả, giải quyết tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân. Diện tích đất đồi còn rất lớn, đó là tiềm năng để phát triển hàng hoá về cây công nghiệp, cây ăn quả và phát triển đàn gia súc…
Để thu hút đầu tư hiệu quả và phát huy tối đa các nguồn lực, ông Hoàng Thái Cương cho biết: Thái Nguyên đã và đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và bình đẳng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế lớn cũng như những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thái Nguyên mong muốn có các nhà đầu tư thật sự có năng lực về tài chính cũng như năng lực về chuyên môn.
“Chúng tôi sẽ đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư đề ra trong khả năng, khuôn khổ pháp luật và tỉnh cũng hỗ trợ tối đa từ công tác cấp phép đầu tư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đến việc phối hợp với nhà đầu tư trong quá trình tuyển dụng lao động, đảm bảo một môi trường an ninh bền vững giúp đỡ các nhà đầu tư yên tâm hoạt động khi đã quyết định đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên” – ông Cương khẳng định.
Trang Lê / DĐDN