Đất Bình Thủy – Long Tuyền của thành phố Cần Thơ từ xưa vốn đã nổi tiếng là vùng đất bình yên, trù phú, quanh năm tươi mát nên ngày càng lôi cuốn nhiều người đến khai hoang, lập ấp và sinh sống. Lại nói, đất Bình Thủy – Long Tuyền là nơi có địa hình tốt nên rất thuận tiện trong việc giao thương, mua bán, chính vì thế mà nhiều người khi đến đây đã tạo dựng cho mình một cơ nghiệp bền vững. Nổi bật trong số này có thể kể đến gia đình họ Dương (gốc bên Trung Quốc) giàu có nức tiếng xứ Nam Kỳ thời ấy với điểm nhấn ngôi nhà khang trang có phong cách kiến trúc, nghệ thuật đẹp nhất Cần Thơ. Ngôi nhà ấy của dòng họ ấy không biết tên có tên gọi là gì, nhưng sau gần 100 năm xây dựng, người ta đã gán cho cái tên rất đắt là “nhà cổ Bình Thủy”.
Nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ có từ bao giờ?
Tham quan nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ)
Hiện tại, ngôi nhà cổ đang tọa lạc tại số 144 đường Bình Thủy, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Được biết, ngôi nhà được ông Dương Văn Vị (hậu duệ thứ 3 dòng họ Dương có nguồn gốc bên Trung Quốc đến Nam Bộ lập nghiệp vào những năm cuối thế kỷ XVI), một thương gia giàu có cho xây dựng vào năm 1870 để thờ cúng ông bà, tổ tiên.
Sau khoảng thời gian sử dụng gần 30 năm, gia đình ông được thời làm ăn rất phát đạt nên ông đã quyết định đập bỏ ngôi nhà cũ, xây dựng ngôi nhà mới trên quy mô, diện tích to rộng hơn.
Công trình chính thức được khởi công vào năm 1900, nhưng mãi đến năm 1911 thì hoàn thành do vật liệu dùng xây nhà đều phải đặt hàng và nhập từ Pháp. Ba năm sau đó (1904), ông Dương Văn Vị mất do tuổi già sức yếu. Gia sản lúc này, toàn bộ ông để lại cho con trai út của mình là Dương Chấn Kỷ.
Nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ
Khác với nhiều anh em khác trong gia đình, ông Dương Chân Kỷ là người thông minh, hiểu biết rộng về kiến trúc nghệ thuật và từng có thời gian dài du học ở Pháp về. Chính từ điều này, mà trước khi kế nghiệp cha, ngôi nhà được ông nghiên cứu và cho cho xây dựng với một phong cách kiến trúc kết hợp Pháp – Việt – Hoa rất độc đáo ở đất Cần Thơ lúc bấy giờ. Đặc biệt hơn cả là ngôi nhà mang đậm dấu ấn phong thủy rõ nét của người phương Đông, tạo nên một không gian hòa hợp giữa âm và dương.
Sau thời của ông Dương Chấn Kỷ, ngôi nhà được các hậu duệ sau kế nghiệp và thừa hưởng cho đến ngày hôm nay. Mãi đến năm 1980, hậu duệ đời thứ 5 là ông Dương Văn Ngôn, người nổi tiếng trong vùng với thú chơi cây kiểng, đặc biệt là lan. Ông đã tô điểm thêm cho ngôi nhà một màu sắc mới khi quyết định khi hình thành một vườn lan, thu hút nhiều người cùng có sở thích đến chơi và bình luận. Cũng từ đó, tên gọi “vườn lan Bình Thủy” trong ngôi nhà cổ Bình Thủy được nhiều người biết đến và trở thành điểm nhấn mới trong ngôi nhà cổ có phong cách kiến trúc đẹp mắt.
Bí ẩn câu chuyện yểm bùa, bỏ ngãi lên đòn dong của thầy Lỗ Ban ở nhà cổ Bình Thủy
Khi ông Dương Văn Vị quyết định đập bỏ ngôi nhà cũ để xây dựng ngôi nhà mới, có một câu chuyện được người đời truyền tụng về việc thầy Lỗ Ban ếm bùa, bỏ ngãi lên đòn theo lời giao ước của ông và ông Dương Văn Vị. Chuyện kể, …
“Hồi đó ở xứ này, có môt ông thầy tên Ba Nghĩa (dân trong vùng hay gọi ông là Lỗ Ban), người hơi dị hình, dị tướng khi chỉ cao độ một thước lẻ mấy phân, lưng cong vòng khiến dáng dấp nhìn nghiêng cứ như một dấu hỏi. Đổi lại, ông Ba Nghĩa là người có tài cất nhà rất đẹp, đa phần nhà của điền chủ, bá hộ giàu có đều có bàn tay của ông.
Không chỉ là người có thân hình khác người, có tài mà ông còn là người rất khác thường. Thông thường khi tư niên mãn mùa, người ta lúc nào cũng thấy ông ở trần, mặc một cái quần ngắn bằng lãnh đen, trên đầu thì chít một cái khăn điều đỏ chót. Đặc biệt, đi với ông là hai món vật bất li thân là một cái nẻ mực và một chiếc rìu. Thế nhưng, chỉ với hai bảo bối đó, ông đã đẽo không biết bao nhiêu cây cột lim tròn vành vạnh.
Khi ông Dương Văn Vị xây nhà, con ông là Dương Chấn Kỷ có ra điều kiện với thầy Lỗ Ban rằng: “Thầy cất nhà cho tôi đẹp rực rỡ hơn người thì khỏi nói nhưng cốt sao khi cất xong tôi phải giàu lên mới được”. Bất ngờ trước lời đề nghị này của ông Dương Chấn Kỷ vì hồi giờ cất nhà chưa thấy ai ra điều kiện như vậy! Ông suy nghĩ hồi lâu, rồi bèn đáp: “Ngặt nỗi cái nghề này, gia chủ giàu thì phần số tôi phải mạt”. Nghe thầy Lỗ Ban đáp, ông Dương Chấn Kỷ phẩy tay nhẹ nhàng đáp lại: “Đừng lo. Tôi đảm bảo với thầy, mỗi tháng tôi sẽ chu cấp cho thầy một đấu gạo với ba cắc bạc cho đến mãn đời”.
Sau câu nói của ông Dương Chấn Kỷ, thầy Lỗ Ban nở nụ cười, chấp nhận điều kiện rồi bắt tay vào việc xây nhà.
Qua hơn 100 năm, không biết thực hư cái hợp đồng xây dựng kì dị đó có hay không. Thế nhưng sau khi hoàn thành xong ngôi nhà, dân quanh vùng đồn thổi rằng khi lên đòn dong, ông thầy Lỗ Ban có ếm bùa, bỏ ngãi nên ông Dương Chấn Kỷ mới giàu đến vậy.
Tham quan nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ
Kiến trúc tổng thể nhà cổ Bình Thủy
Là ngôi nhà được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 6.000m2 theo hướng Đông Tây với nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Không gian gồm: Nhà trước (5 gian), dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ trang trọng, được trang trí theo phong cách Châu Âu; Nhà giữa (5 gian), 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian bìa dùng để ở; Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung, cùng với đó là các tiểu cảnh trong và ngoài. Có thể nói nhà cổ Bình Thủy là ngôi nhà cổ hiếm ở miền Tây có phong cách kiến trúc ít trùng lẫn với ngôi nhà cổ nào.
Cổng đi vào nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ)
Kiến trúc nhà cổ Bình Thủy
Vẻ đẹp độc đảo của kiến trúc nhà cổ Bình Thủy
Đến tham quan ngôi nhà, từ trước nhìn thẳng vào ngôi nhà là mặt tiền mang đậm kiến trúc Pháp kết hợp Việt và Hoa được thể hiện qua các hoa trang trí cá vàng, kỳ lân, bình hoa, ngựa cưỡi trâu… trên cột, vòm cửa và nóc nhà. Khác biệt với nhiều những ngôi nhà khác, mặt tiền nhà cổ Bình Thủy không có cầu thang đi lên trực tiếp mà được thiết kế hai bên, chính giữa hai cầu thang là những cây hoa kiểng án ngữ thể hiện quan niệm phong thủy của người phương Đông. Đặc biệt, trước mặt tiền là hai cây đèn được đúc bằng đồng thời Pháp tại hai lối cầu thang lên xuống của hai bên ngôi nhà.
Bên trong nhà cổ Bình Thủy có gì?
Những cánh cửa được sơn xanh ở Nhà cổ Bình Thủy
Đi lên cầu thang qua mặt tiền vào trong ngôi nhà là không gian thoáng, rộng, vững chắc. Tổng thể không gian trong của ngôi nhà có 16 cây cột lớn chống đỡ được làm từ gỗ quý có đường kính khoảng 180cm và cao từ 4m đến 6m. Trên mỗi cây cột là hệ thống chủ đạo của rui, mè, xà ngang bằng gỗ, mái lợp ngói ống, gờ bó mái bằng men xanh lục… được thiết kế theo luật đối xứng có âm có dương, có tả có hữu và có tiền có hậu rất tinh tế.
Không gian bên trong nhà cổ Bình Thủy gây ấn tượng bởi rất nhiều đồ gỗ
Đứng tại một góc quan sát, bàn thờ, kháng thờ tổ tiên ông bà được đặt ngay chính giữa tiền sảnh với cặp liễn được tạc bằng chữ nổi lên trên gỗ quý. Xung quanh tiền sảnh là các giường, tủ chè, bộ bàn ghế, bộ ván ngựa, sập gụ, trường kỷ, cặp thành vọng, … được thiết kế theo chủ đề sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ hoặc theo các câu danh quý trong nghệ thuật như: “Tam Ða – Tứ Quý”, “Mai – Lan – Cúc – Trúc”, “Phúc – Lộc – Thọ”, “Long – Lân – Quy – Phụng” … Hầu hết tất cả vật dụng trong nhà đều do bàn tay của các nghệ nhân Bắc – Trung – Nam tạo ra bằng gỗ quý, và được phủ sơn son thếp vàng hoặc cần xà cừ.
Một không gian rất cổ
Cùng với các vật dụng được làm bằng gỗ, trang trí nội thất của ngôi nhà còn tạo sức hút với một bộ bàn ghế được làm bằng cẩm thạch, vân xanh có đường kính 1,5m, dày hơn 6cm xuất xứ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Một bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis 15 mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đằng TK XVIII, cặp đèn treo TK XIX… và nhiều món đồ cổ được làm bằng đồng nguyên khối, gốm sứ tráng men quý.
Một bảo vật tại nhà cổ Bình Thủy
Không dừng lại tại đó, nội thất bên trong ngôi nhà còn nhấn nhá với nét mỹ thuật của những miếng gạch lót sàn có hoa văn cổ điển nhập từ Pháp đầy sang trọng. Cùng với đó là hệ thống đèn chiếu sáng được treo lơ lửng trên những vì kèo gỗ và những tấm la phong trên trần nhà theo hướng thẳng đứng. Sự kết hợp này đã tạo nên một không gian vừa cổ kính, vừa hiện đại trong sự tiếp biến văn hòa của Á và Âu mà ông Dương Chấn Kỳ đã học hỏi được. Và đây cũng là lý do vì sao mà ngôi nhà dù đã trải qua 100 năm những vẫn ánh lên được vẻ cuốn hút độc đáo của lối kiến trúc giao hợp thú vị.
Bằng vẻ đẹp trong phong cách kiến trúc lẫn nghệ thuật đặc sắc, sau hơn 100 hình thành và tồn tại, ngôi nhà ngày này đã trở thành một nơi tìm đến tham quan thú vị ở Cần Thơ. Đặc biệt, là nơi để các đạo diễn trong và ngoài nước đến quay những cảnh phim nổi tiếng như: Người tình (đạo diễn người Pháp J. An), Chân trời ngày ấy, Con nhà nghèo, Nợ đời, Xương rồng Cần Thơ…
Năm 2009, ngôi nhà đã được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Địa chỉ, giá vé, giờ mở cửa nhà cổ Bình Thủy
Địa chỉ: 144 đường Bùi Hữu Nghĩa – phường Bình Thủy – quận Bình Thủy – thành phố Cần Thơ.
Thời gian: 7h30 – 18h00 hàng ngày.
Giá vé: 15,000 vnđ/ người
Hướng dẫn di chuyển tới nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ)
Bản đồ vị trí của nhà cổ Bình Thủy
Trên đây là bản đồ hướng dẫn cách đi đến nhà cổ Bình Thủy nếu bạn có ý định tham quan. Hy vọng bạn sẽ có những giây phút du lịch thoải mái tại địa điểm du lịch nổi tiếng này của Cần Thơ.
Hiếu Tử