Uniqlo đã bắt đầu thực hiện tham vọng lớn ở thị trường Việt Nam bằng việc chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào cuối tuần qua.
Nhiều người xếp hàng chờ mua sản phẩm thời trang Nhật Bản khi Uniqlo khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: Đưc Thanh
Uniqlo nuôi tham vọng lớn
Uniqlo, thương hiệu thời trang hàng đầu Nhật Bản, đã chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào cuối tuần qua. Ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam đã gọi sự kiện này là “bước đi mới” của Uniqlo tại thị trường Việt Nam, sau bước đi đầu tiên là mở cửa Uniqlo Đồng Khởi (TP.HCM) vào cuối năm ngoái.
“10 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu mong muốn được thử thách tại thị trường Việt Nam”, vị này chia sẻ.
Ấp ủ kế hoạch từ nhiều năm trước, song sau một thời gian “chuẩn bị chắc chắn”, Uniqlo mới chính thức “tham chiến” tại thị trường Việt Nam - thị trường non trẻ nhất trong tổng số 25 thị trường mà Uniqlo đã đặt chân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm, dân số trẻ, năng động, quy mô thị trường gần 100 triệu dân là những lý do khiến Uniqlo tin rằng, Việt Nam là thị trường rất có tiềm năng. Và đây là lý do khiến Uniqlo quyết định mở cửa hàng tại Việt Nam.
Thêm vào đó, một điều quan trọng là Uniqlo có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. “Việc mở cửa hàng tại nơi sản xuất sẽ tạo thuận lợi trong kinh doanh, giảm thời gian và chi phí đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Osamu Ikezoe nói.
Cả hai cửa hàng tại Việt Nam, trong tổng số 2.200 cửa hàng mà Uniqlo đã mở trên toàn cầu, đều thuộc diện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng con số sẽ không chỉ là 2, bởi tham vọng của Uniqlo lớn hơn nhiều.
Trong cuộc tiếp xúc cách đây ít lâu với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Koyama Noriaki, Phó chủ tịch Tập đoàn Uniqlo cho biết, Tập đoàn có kế hoạch mở ít nhất 3 cửa hàng tại Hà Nội trong năm 2020.
Thông tin trên đã được ông Osamu Ikezoe xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư. Tuy nhiên, các kế hoạch cụ thể chưa được đề cập. “Trong vòng 3 - 5 năm tới, Uniqlo sẽ tăng nhanh các cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM”, vị này nói.
Mặc dù số lượng cửa hàng và thời gian cụ thể chưa được Uniqlo chia sẻ, song với dự kiến mở ít nhất 4 - 5 cửa hàng trong vòng 1 năm, sau đó sẽ tăng nhanh các cửa hàng, thì đó không phải là tham vọng nhỏ.
Cùng với đó, theo chia sẻ của ông Osamu Ikezoe, Uniqlo còn có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trước đây, Uniqlo chủ yếu tập trung sản xuất ở Trung Quốc, sau đã mở rộng sang Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Tuy tỷ lệ sản xuất tại từng thị trường chưa được công bố, song một con số đã từng được nhắc tới vào thời điểm Uniqlo mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, đó là sản lượng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Uniqlo tại Việt Nam hiện khoảng 3 tỷ USD/năm.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Bất chấp dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khi Uniqlo khai trương cửa hàng mới ở Vincom Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), rất đông người tiêu dùng vẫn đến xếp hàng chờ được mua các sản phẩm mới nhất của nhãn hiệu thời trang này. Điều đó cho thấy “sức nóng” của thương hiệu Uniqlo lớn như thế nào. Đây là thương hiệu thời trang rất được người Việt Nam ưa chuộng trong thời gian qua.
Mà không chỉ là người tiêu dùng Việt Nam. Bằng triết lý kinh doanh Lifewear, với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý, tiện dụng, không ngừng đổi mới và luôn được phát triển dựa trên nhu cầu của cuộc sống, chỉ trong vòng hơn 20 năm, Uniqlo đã phát triển được hơn 2.200 cửa hàng trên toàn cầu. Trong năm tài chính 2019 (tính đến 31/8), Fast Retailing - chủ sở hữu của thương hiệu Uniqlo đã đạt doanh thu tới 21,53 tỷ USD và trở thành công ty bán lẻ thời trang lớn thứ 3 thế giới.
Với nền tảng như vậy, Uniqlo có thể sẽ sớm thành công ở thị trường Việt Nam. Tất nhiên, cùng với việc Uniqlo không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh và cả đầu tư, sản xuất tại Việt Nam, cơ hội cho Việt Nam là không nhỏ.
Thêm vào đó, Uniqlo chỉ là một trong 6 thương hiệu chính của Fast Retailing. Ngoài Uniqlo, còn có GU, Theory, Helmut Lang, PLST (Plus T), Comptoir des Cotonniers, Princesse tam.tam và J Brand. Một khi Fast Retailing nhấn thêm một bước chân nữa vào thị trường Việt Nam, thì sức nóng của thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ càng thêm nóng.
Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cũng đã từng khẳng định, Uniqlo là “thương hiệu bước đệm” để từ đó Fast Retailing đưa các thương hiệu khác tới thị trường Việt Nam.
Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, quy mô thị trường quần áo của Việt Nam hiện nay vào khoảng 5,6 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng 8,8%/năm trong giai đoạn 2019 - 2023. Đặc biệt, 97% doanh thu thị trường đến từ những mặt hàng quần áo bình dân.
Có lẽ, đó chính là lý do vì sao lần lượt các thương hiệu thời trang như Zara, H&M... và bây giờ là Uniqlo đã mở cửa hàng tại Việt Nam. Thậm chí, ngay trước khi Uniqlo khai trương cửa hàng ở Hà Nội, thì H&M đã mở cửa hàng thứ 4 ở thị trường này. Đây là cửa hàng thứ 9 của hãng này tại Việt Nam. Khi các “ông lớn” này tăng tốc vào Việt Nam, thị trường càng thêm sôi động và sẽ tiếp tục mở ra các cơ hội phát triển khác, bao gồm cả thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, khi Uniqlo và cả Zara, H&M ngày càng “khuếch trương thanh thế”, thì đó sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các thương hiệu thời trang Việt trong cuộc đua giành thị trường. Đây cũng là điều cần tính đến.