Trong năm 2015, xuất khẩu lại có những tăng trưởng đột biến. Trong đó, đáng chú ý nhất là than củi, viên nén mùn cưa.
Đóng gói than củi xuất khẩu - Ảnh: Lê Dung. |
“Cơn sốt” than củi
“Từ mấy tháng cuối năm 2015 đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) liên lạc với chúng tôi nhờ tìm đầu mối xuất khẩu than củi sang Trung Đông…”, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty cp VIETGO - một công ty chuyên tư vấn, xúc tiến xuất, nhập khẩu cho biết. Theo ông Việt, trong khoảng một năm qua, VN nổi lên như một nước xuất khẩu than củi chính cho các nước sử dụng nhiều than củi, nhất là Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc do có những biến động về nguồn cung trên thị trường này.
“Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 nước có đường bờ biển nhiều, hải sản là món ăn thường xuyên và họ đa phần nướng nên cần than củi nhiều. Các nước Trung Đông như: Iraq, Iran, Ô man, Thổ Nhĩ Kỳ…, nhu cầu dùng than cũng luôn cao. Các nước châu Âu là xứ lạnh, họ cũng có nhu cầu than… Gần đây, do thiếu nguồn cung nên các nước này chuyển qua nhập khẩu từ châu Á, trong đó VN là nguồn cung tốt nên mặt hàng này đang trở nên rất “nóng” trên thị trường”, ông Việt cho biết.
Cũng theo Giám đốc VIETGO, trước đây, các nước Trung Đông, châu Âu đa số nhập than củi từ các nước châu Phi, nơi có nhiều than củi từ gỗ rừng tự nhiên với chất lượng tốt, giá rẻ, khoảng cách vận chuyển gần. Nhưng kể từ cuối năm 2014, khi dịch Ebola bùng lên ở một số nước châu Phi, việc nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ các quốc gia này, trong đó có than củi bị cấm nghiêm ngặt nên các nước Trung Đông thiếu than củi. “Chính vì vậy, nhà nhập khẩu ở các thị trường này đã xoay sang châu Á, trong đó có VN do có nguồn than đốt khá tốt ở một số vùng ĐBSCL, Bắc bộ..., nhất là có than củi nhập quá cảnh từ Lào - quốc gia có nhiều rừng tự nhiên. Tháng 12.2015, chúng tôi có 25 đơn hàng nhờ tìm mua than. Đến tháng 1 này, hầu như ngày nào cũng có 1 - 2 DN hỏi tìm mua than mà nguồn cung cũng không đủ”, ông Việt cho biết.
Về hiệu quả của mặt hàng này, theo một DN có tham gia xuất khẩu, các nước nhập khẩu chủ yếu đặt hàng than đốt từ những loại cây gỗ nhãn, vải, hay gỗ rừng tự nhiên (từ Lào) do loại than này chất lượng cao, cùng 1 container nhưng có thể chở tới 24 tấn/container loại 40 feet trong khi than từ bạch đàn, keo chỉ chở được 16 - 17 tấn/container. “Hiện nay, các DN đổ dồn nhập khẩu than củi từ Lào do chất lượng tốt hơn, giá nhân công rẻ, giá than cũng rẻ, chỉ khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tấn trong khi giá than củi sản xuất tại VN đã khoảng 6 triệu đồng/tấn. Mua than từ Lào xuất khẩu lãi khoảng 2 - 2,5 triệu đồng tấn, trong khi mua than củi ở VN xuất đi chỉ lãi khoảng 600.000 đồng/tấn”, ông này cho biết.
Nhỏ mà hiệu quả cao
Một mặt hàng khác cũng đang “sốt”, theo các DN xuất khẩu ngành gỗ là viên nén mùn cưa. Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, mặt hàng này thực tế đã được xuất khẩu mạnh từ năm 2007, có thời điểm đạt lợi nhuận rất cao (khoảng 30 - 40%), 1.000 tấn đã lãi khoảng 600 triệu đồng do ngày càng nhiều nước tăng cường sử dụng năng lượng sạch như dùng nhiên liệu viên nén mùn cưa thay cho đốt dầu, chạy than... “Ở Hàn Quốc, có thời điểm hàng loạt nhà máy nhiệt điện, công nghiệp chuyển sang dùng viên nén mùn cưa, trong khi ở VN đây là dạng phụ phẩm, giá rất rẻ nên những năm trước, các DN Hàn Quốc sang thu mua rất nhiều, họ tìm đến tận các xưởng gỗ lớn trực tiếp thu mua, nhất là ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Tây...”, ông Việt cho biết. Tuy nhiên, theo ông Việt, đến thời điểm này, giá viên nén mùn cưa đã giảm, chỉ còn khoảng 100 USD/tấn FOB do giá dầu thô thấp, tuy nhiên, nhu cầu nhập vẫn khá lớn.
Theo ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm thông tin thương mại - công nghiệp, Bộ Công thương, nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng trên từ VN của các nước Trung Đông khá lớn nhưng do đây là mặt hàng mới nên Bộ Công thương chưa có thống kê đầy đủ số lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu than củi từ năm 2015 đến nay. “Thông thường, chúng tôi chỉ thống kê những mặt hàng chủ lực, có giá trị lớn, ảnh hưởng đến cán cân xuất nhập khẩu, đến nhập siêu. Tuy nhiên, với những mặt hàng tiềm năng như vậy quả thực cũng nên được khuyến khích, thúc đẩy do hiệu quả đem lại cao, nhất là khi nó đi được vào những thị trường ngách, không gặp phải nhiều khó khăn, cạnh tranh thì có khả năng phát triển mạnh”, ông Phương nói.
Theo Mạnh Quân-BizLIVE