Cho vay tiêu dùng thường dễ dãi về thủ tục, nhưng nếu khách hàng sơ suất trong khâu trả nợ dễ dẫn đến phát sinh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng như công ty tài chính. Mặc dù số tiền vay nhỏ và đã hoàn thành trả nợ, nhưng “vết đen” trong hồ sơ tài chính của khách hàng sẽ bị ghi nhận trong 5 năm.
Ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) khuyến nghị, người đi vay cần tạo thói quen quản lý giấy tờ cá nhân cũng như các nghĩa vụ trả nợ để tránh nợ xấu phát sinh và để lại thông tin không tốt trong lịch sử tiếp cận vốn vay cũng như sau này khi có nhu cầu vay vốn.
Chỉ cần sơ suất dẫn đến phát sinh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, thì dù số tiền vay nhỏ và đã hoàn thành trả nợ, nhưng “vết đen” này 5 năm sau mới bị xóa, sẽ có ảnh hưởng xấu khi tiếp cận vay vốn tại các tổ chức tài chính khác.
Thực tế, có người chị bảo lãnh cho người em vay mua xe máy, nhưng người em quên đóng tiền. Sau đó, người chị gặp khó khăn khi tiếp cận các tổ chức tài chính để vay vốn mới vỡ lẽ là mình đã bị ghi vào “sổ đen” nợ xấu. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính khác đều có thể xem được lịch sử “tì vết” này. Có trường hợp khách hàng bị lợi dụng giả mạo giấy tờ, phải có sự can thiệp của tòa án thì thông tin “đen” trên CIC mới có thể được chỉnh sửa.
Với các sinh viên vay vốn từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ, các khoản vay này cũng được ghi nhận vào hồ sơ tín dụng của cá nhân và lưu trữ trên CIC. Nếu bị ghi vào danh sách nợ xấu, sinh viên đó sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi tham gia tuyển dụng việc làm.
Thực tế, thông tin tín dụng có vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính, ngân hàng. CIC thuộc Ngân hàng Nhà nước kết nối thông tin tín dụng của toàn hệ thống các ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng… tại Việt Nam. Vì thế, thông tin tín dụng có tác động lên mọi cá nhân, mọi ngành, người tiêu dùng. CIC là cầu nối giúp người tiêu dùng tạo thông tin minh bạch thông qua việc đăng ký thông tin với Trung tâm.
Hiện CIC đang thí điểm mở cổng thông tin cho khách hàng đăng ký thông tin của mình và thông qua tài khoản trên Trung tâm có thể kết nối với các ngân hàng, công ty tài chính. Qua đó, CIC giúp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân.
“Chúng tôi thực hiện chấm điểm tín dụng theo thông lệ quốc tế cho mọi cá nhân 18 tuổi trở lên có quan hệ tín dụng và chưa có quan hệ tín dụng. Đây là một công cụ chứng minh năng lực tài chính và lưu trữ thông tin của người dân phục vụ cho việc tiếp cận các khoản tín dụng sau này”, ông Bình nói và cho rằng, CIC giúp các ngân hàng, công ty tài chính tìm khách hàng vay vốn tiềm năng, giảm chi phí thẩm định. Đồng thời, qua CIC, người dân tiếp cận vốn tín dụng công bằng, công khai, minh bạch.
Việc nâng cao kiến thức tài chính cho người dân cần có sự chung tay từ nhiều phía
Bà Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam chia sẻ, trong hợp đồng tín dụng, Home Credit có đề cập sẽ sử dụng thông tin khách hàng cho bên thứ ba, trong đó có CIC. Sử dụng thông tin trên CIC là một trong những tiêu chí quan trọng để thẩm định khách hàng trước khi ra quyết định cho vay.
“Khi có khách hàng muốn vay tiền từ Home Credit, chúng tôi sẽ truy cập dữ liệu trên CIC để có thông tin về tình trạng hiện tại của khách hàng như đang nợ ở đâu, nợ bao nhiêu, trả nợ như thế nào, trong quá khứ có nợ quá hạn ở tổ chức nào không… Những thông tin này sẽ giúp chúng tôi có cơ sở để đưa ra quyết định chuẩn xác hơn khi cho vay”, bà Tiên nói.
Theo bà Tiên, cần có giải pháp tăng nhận thức của khách hàng về vấn đề trên. Home Credit có kế hoạch chia sẻ về CIC với khách hàng khi ký hợp đồng vay vốn tại Công ty. Tuy nhiên, việc nâng cao kiến thức tài chính cho người dân cần có sự chung tay từ nhiều phía như Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan truyền thông.
Bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. HCM cho rằng, CIC có vai trò lớn đối với các tổ chức tín dụng trong việc đảm bảo hiệu quả các khoản cho vay, ngân hàng liên hệ với CIC để kiểm tra, nhất là với khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều khách hàng chưa biết đến CIC, một phần do khâu tuyên truyền chưa mạnh, các tổ chức tín dụng cũng chưa thông báo với khách hàng về việc họ sẽ kiểm tra thông tin trên CIC. Mặt khác, người dân chủ yếu quan tâm đến việc vay được tiền hay không, chứ không để ý nhiều đến nguyên nhân không vay được vốn nên không tìm hiểu về CIC.
CIC hiện chỉ cập nhật dữ liệu khách hàng từ các tổ chức tín dụng khi phát sinh khoản vay. Tuy nhiên, chương trình hành động của ngành ngân hàng đến năm 2020 có đề cập, CIC sẽ tìm giải pháp mở rộng nguồn thông tin đầu vào như liên kết các công ty dịch vụ điện, nước… để có thêm thông tin về tín dụng của khách hàng.
Vân Linh / baodautu.vn