Thông tin về việc Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Bus Industrial Centre do Bus Center Met (Nga) đầu tư một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về sự thận trọng trong việc lựa chọn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các địa phương.
Nhiều dự án FDI bị thu hồi là hệ quả của việc các tỉnh, thành trước đây chú trọng chạy đua về thu hút vốn FDI mà xem nhẹ đến vấn đề chất lượng dự án, tiềm lực nhà đầu tư. Ảnh: Dự án Thép Guang Lian (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 3 tỷ USD – chủ đầu tư E-United đã tuyên bố không thể thu xếp tài chính cho Dự án và cũng sẵn sàng chấp thuận việc bị thu hồi.
Với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, Bus Industrial Center là dự án FDI lớn nhất được đăng ký đầu tư vào Bình Định từ trước đến nay.
Bài học Bus Industrial Center
Theo cam kết, Bus Center Met sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các loại máy nông nghiệp trên diện tích 50 ha tại khu công nghiệp Nhơn Hòa. Đối với một tỉnh miền trung vốn xưa nay vẫn còn bị nhiều nhà đầu tư nước ngoài bỏ qua, thì đây quả là một dự án lớn. Có lẽ chính vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này diễn ra rất nhanh. Nhà đầu tư dự kiến sẽ triển khai quá trình xây dựng dự án trong vòng 36 tháng, kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng rồi chính quyền địa phương cũng sớm nhận ra rằng đây là một dự án trên giấy. Chỉ sau một năm kể từ khi cấp phép năm 2013, Ban quản lý khu kinh tế Bình Định đã đề xuất rút phép dự án này, vì nghi ngờ về năng lực tài chính. Tệ hơn nữa, có nguồn tin còn nói rằng nhà đầu tư này bị nghi ngờ thực hiện đầu tư tại Bình Định với mục đích rửa tiền. Cuối cùng, cho đến ngày hôm nay dự án này cũng đã bị rút giấy chứng nhận đầu tư.
Thu hút các dự án FDI lớn luôn là mục tiêu mà các địa phương vốn ít nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài hướng đến. Bởi lẽ một dự án lớn sẽ làm thay đổi hình ảnh của địa phương đó, đóng góp thêm ngân sách, tạo việc làm và tạo ra hấp lực với những nhà đầu tư khác.
Nhưng lần này, dự án Bus Industrial Center lại là một bài học nữa nhắc nhở về tầm quan trọng của lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp này, cũng may là dự án này chưa được triển khai nhiều nên việc rút giấy chứng nhận đầu tư đơn giản hơn. Với nhiều dự án khác, mọi chuyện lại phức tạp hơn nhiều khi nhà đầu tư đã triển khai một phần nào đó rồi dừng lại. Như vậy sẽ phải giải quyết những vấn đề liên quan nếu muốn từ chối nhà đầu tư đó.
Câu chuyện về dự án khu liên hợp thép Cà Ná có vốn đăng ký 9,8 tỷ USD tại Ninh Thuận cách đây 8 năm vẫn còn nguyên giá trị. Năm 2008, Tập đoàn Lion Group của Malaysia cùng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) – nay là TCty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam – đã liên doanh để đầu tư dự án thép quy mô lớn này. Nhờ đó, Ninh Thuận đã nhảy vọt lên trên bảng xếp hạng các địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau Lion Group tuyên bố rút khỏi dự án do không đủ năng lực, và tất nhiên Vinashin cũng không thể tiếp tục một mình. Kết quả là Ninh Thuận phải rất vất vả và tốn nhiều thời gian mới có thể giải quyết hậu quả của dự án này, do Vinashin đã bỏ ra 83 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng.
Năng lực thẩm định
Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần than thở rằng việc phân cấp đầu tư cho địa phương là chủ trương đúng, nhưng nhiều địa phương có năng lực thẩm định dự án và nhà đầu tư quá yếu. Đây chính là kẽ hở dẫn đến tình trạng những dự án FDI trên giấy vẫn xuất hiện dù đã có nhiều bài học.
Theo quan điểm của Giáo sư Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn đầu tư nước ngoài, thì hầu hết các dự án FDI bị rút phép hoặc rơi vào tình trạng “dự án treo” trong nhiều năm là do năng lực chủ đầu tư yếu kém, đặc biệt là về năng lực tài chính.
Ông Mại cho rằng, phân cấp quản lý cho UBND tỉnh và thành phố từ năm 2006 vừa có tác động tích cực kích thích chính quyền địa phương khai thác lợi thế và năng động trong thu hút FDI, nhưng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng dễ dãi trong lựa chọn nhà đầu tư.
Theo đó, nhiều địa phương mới chỉ chú trọng vào việc thu hút dự án mới, dễ dãi tin vào những gì nhà đầu tư đề xuất, mà quên mất rằng hiệu quả và tính khả thi của dự án cùng với năng lực thực sự của nhà đầu tư mới là quan trọng. Hệ quả là sau khi phân cấp, đã có rất nhiều dự án có quy mô vốn đăng ký đầu tư lên đến vài tỷ USD, nhưng lại rất ít trong số đó được triển khai. Nhiều dự án đã bị rút giấy chứng nhận đầu tư, nhưng cũng có những dự án địa phương đang rơi vào tịnh trạng “tiến thoái lưỡng nan” và chưa biết phải giải quyết ra sao.
“Đây là vấn đề về năng lực thẩm định nhà đầu tư của địa phương. Thực tế có nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực nằm ngoài khả năng thẩm định của địa phương, do họ không có đủ thông tin về nhà đầu tư và cũng không đủ trình độ để thẩm định trong lĩnh vực đó, ví dụ như công nghệ sản xuất thép” – ông Mại dẫn chứng.
Cách đây 2 năm, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách phân cấp, Chính phủ đã ban hành một danh mục các lĩnh vực và dự án thuộc thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Cụ thể, đó là những dự án thuộc các lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông, cảng biển, cảng hàng không và vận tải biển. Các dự án có quy mô lớn trên 1.500 tỷ đồng trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim và kinh doanh điện cũng phải được chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Quy định này đã phần nào hạn chế được những dự án FDI chất lượng kém hoặc không phù hợp với quy hoạch, nhưng vẫn không thể giải quyết hết được tình trạng các dự án treo, vì còn rất nhiều những lĩnh vực khác như bất động sản, sản xuất công nghiệp vẫn thuộc quyền tự quyết của địa phương. Như vậy, cách duy nhất là các cơ quan cấp tỉnh sẽ buộc phải nâng cao năng lực thẩm định dự án, nhà đầu tư.
Để hạn chế tối đa việc rút giấy CNĐT, trong những năm qua, tỉnh đã phân cấp rõ trách nhiệm, Ban Quản lý các KCN thẩm định các dự án trong KCN, và Sở KH và ĐT thẩm định các dự án ngoài KCN. Đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, chúng tôi chủ động lựa chọn, sàng lọc các dự án cũng như các đối tác đầu tư theo năng lực hồ sơ. Thực tế, việc thẩm định các nhà đầu được đánh giá qua các dự án theo quy định khác nhau, hầu hết các dự án phải ký quỹ từ 1 – 3% tổng kinh phí thực hiện dự án, điều này phần nào đã khẳng định được năng lực NĐT. Ngoài ra, với những NĐT mới ngoài năng lực chứng minh tài chính, báo cáo tài chính năm gần nhất, cam kết bảo lãnh của ngân hàng thì chúng tôi còn tìm hiểu qua Bộ, ngành, thuế… trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án, cân nhắc kỹ về tỷ suất đầu tư/diện tích đất; tăng cường đào tạo bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý FDI nhằm nâng cao vai trò, của các cán bộ trong khâu thẩm tra, thẩm định dự án.
Ông Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục ĐTNN Tăng cường năng lực thẩm định dự án
Thực tế, từ năm 2006 việc cấp phép đầu tư các dự án đã được trao quyền cho các địa phương. Cơ quan Trung ương chỉ góp ý, còn cấp phép dự án nào là do địa phương quyết. Hiện cả nước có tới 120-130 cơ quan, ban ngành thẩm định dự án nhưng năng lực thẩm định của nhiều cơ quan, ban ngành còn hạn chế, nhất là đối với các dự án lọc dầu, gang thép… Luật Đầu tư mới (có hiệu lực từ 1/7/2015) mới có quy định NĐT ký quỹ đặc cọc dự án, còn trước đó NĐT đăng ký dự án không có đảm bảo, dẫn tới nhiều dự án đăng ký xong không thể thực hiện được.
Để hạn chế tình trạng dự án dang dở, theo tôi, việc cấp phép cần có chọn lọc. Bộ KHĐT phải đưa ra chỉ dẫn cho các dự án “tỷ đô” bị rút phép hiện nay để các địa phương rút kinh nghiệm. Trước mắt, nên phân các dự án còn đang tồn tại mà chưa xử lý được để có giải pháp giải quyết dứt điểm, không gây khó khăn cho NĐT cũng như khu vực người dân nằm trong dự án phải thu hồi…
K. Lãng, P. Hà (ghi)
Ninh Kiều / DĐDN