“Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hoá” là một trong các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, mã số KC.03/11-15. Thành công lớn nhất của chương trình là đã tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí có sức cạnh tranh cao.
Dây chuyền chế biến gạo đồng bộ được tự động hóa
Trong giai đoạn 2011 - 2015, chương trình KC.03/11-15 đã thực hiện 63 đề tài, dự án, với tổng kinh phí thực hiện gần 500 tỷ đồng. Qua đó, chương trình đã nghiên cứu chế tạo được 71 sản phẩm là dây chuyền, máy móc, thiết bị và 3.404 sản phẩm khác. Hầu hết các sản phẩm tạo ra đều là sản phẩm mới, tiên tiến, có tính ứng dụng cao và lần đầu tiên được chế tạo trong nước. Theo đánh giá sơ bộ, khoảng 70% trong số đó có tính năng kỹ thuật, kiểu dáng, chất lượng có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.
Từ các đề tài, dự án trong chương trình đã có 41 đơn đăng ký về sở hữu trí tuệ, gần 1.000 cán bộ khoa học tham gia các nhiệm vụ của chương trình, tham gia đào tạo được 17 tiến sĩ, 82 thạc sĩ, có 175 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học và công nghệ trong và ngoài nước. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo cơ hội phát triển các ngành mới, việc làm mới và đã chuyển giao, ứng dụng thành công.
Tiêu biểu như dự án dây chuyền chế tạo động cơ Diesel RV 145-2 đã cho ra đời sản phẩm động cơ Diesel có tỷ lệ nội địa hóa đạt 96%, giá thành thấp chỉ 13,5 triệu đồng/động cơ bằng 52% so với nhập ngoại. Đặc biệt, sản phẩm có đủ sức cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và đã được xuất khẩu đi một số nước ASEAN, Trung Đông. Tính đến nay, dự án đã bán được 2.000 động cơ với số tiền là 27 tỷ đồng.
Hay, dự án dây chuyền chế biến gạo đồng bộ được tự động hóa đạt năng suất 10-12 tấn thóc/giờ, tỷ lệ thu hồi gạo nguyên đạt 70%, tiêu thụ năng lượng 40 kWh/tấn, sản xuất được gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là hệ thống thiết bị đạt trình độ tiên tiến tương đương với sản phẩm của các nước phát triển, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm tăng thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, kết quả của dự án đang được ứng dụng rộng rãi cho hàng ngàn nhà máy xay xát ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Ngoài ra, phải kể đến đề tài về chế tạo bộ sấy không khí hồi nhiệt kiểu quay cho lò hơi đốt than, hệ thống thải tro xỉ cho lò hơi đốt than, sản phẩm đã ứng dụng vào sản xuất tại Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, Phả Lại với giá trị hàng chục tỷ đồng; hệ thống tự động hóa trong nhà trồng thông minh đã nâng cao khả năng thiết kế chế tạo trong nước, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng rô-bốt hàn trong dây chuyền tự động hàn thùng xe ở Công ty Ôtô Trường Hải đã đưa đến bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động trực tiếp trong dây chuyền…
PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ nhiệm Chương trình KC.03/11-15 cho biết, trong quá trình xây dựng các nhiệm vụ và triển khai các đề tài/dự án của chương trình, đã nhận thấy hai lĩnh vực tự động hóa và cơ khí ngày nay luôn gắn liền với nhau để đảm bảo các thiết bị, hệ thống hoạt động đem lại hiệu quả. Nhiều kết quả đề tài đã được đánh giá cao, thay thế được hàng nhập ngoại, đây chính là một tiền đề rất khích lệ và tạo điều kiện cho các bước phát triển tiếp theo.
Mặc dù có được nhiều thành công lớn, song chương trình vẫn còn gặp một số khó khăn như: Cơ chế, chính sách về tài chính còn nhiều bất cập nhất là thủ tục mua sắm vật liệu, thiết bị; nhiều đề tài, dự án chưa nắm vững các quy định thực hiện đề tài, dự án cấp nhà nước nên chưa thực hiện đúng và kịp thời các yêu cầu của ban chủ nhiệm chương trình…
PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ nhiệm Chương trình KC.03/11-15: Trong thời gian tới, chương trình cần đầu tư tới ngưỡng cho các nhiệm vụ trọng điểm, có công nghệ đột phá nhằm bảo đảm đối với các nhiệm vụ này, đầu ra sẽ tương đối hoàn thiện có thể thương mại hóa, giải quyết được các yêu cầu của thị trường. |
Quỳnh Nga / baocongthuong