Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định...
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc đổi tên từ Trực Phú sang Ninh Cường vì tên gọi Trực Phú đã hình thành ổn định từ năm 1956 đến nay. |
Ngày 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Theo tờ trình của Chính phủ, thị trấn Ninh Cường được thành lập trên cơ sở toàn bộ 7,41 km²diện tích tự nhiên, 10.244 người và 16 xóm của xã Trực Phú. Xã Trực Phú là cửa ngõ phía Tây Nam của huyện Trực Ninh, là đầu mối giao thông nối liền các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Hải Hậu thuộc tỉnh Nam Định.
Việc thành lập thị trấn trên cơ sở nguyên trạng xã Trực Phú nhưng lại lấy tên gọi là thị trấn Ninh Cường được Chính phủ lý giải là vì địa bàn xã Trực Phú có lịch sử từ thời phong kiến là thủ phủ của tổng Ninh Cường. Và do vậy, các địa danh trên địa bàn xã Trực Phú đều gắn liền với từ "Ninh Cường" đã ăn sâu vào tiềm thức người dân xã Trực Phú nói riêng, tỉnh Nam Định và cả nước nói chung, như: Đền Quốc Mẫu Ninh Cường, Đền thánh Ninh Cường, chợ Ninh Cường, cầu phao Ninh Cường,...
Việc đổi tên gọi khi thành lập thị trấn từ "Trực Phú" thành "Ninh Cường" là phù hợp và đã nhận được ý kiến đồng thuận của 99,69% cử tri xã Trực Phú.
Thẩm tra đề án của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập thị trấn Ninh Cường.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp thẩm tra, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc đổi tên từ Trực Phú sang Ninh Cường vì tên gọi Trực Phú đã hình thành ổn định từ năm 1956 đến nay.
Việc thành lập thị trấn trên cơ sở nguyên trạng diện tích và dân số của một xã nhưng lại mang tên mới, có thể phát sinh những khó khăn, tốn kém nhất định. Trường hợp đổi tên thành thị trấn Ninh Cường thì cần làm rõ ý nghĩa chính trị, lịch sử của tên gọi Ninh Cường vì nhà thờ Ninh Cường là nơi truyền giáo đầu tiên của Đạo Công giáo vào Việt Nam cách đây gần 500 năm (năm 1533) và bốt Ninh Cường là di tích gắn với chế độ cũ.
Qua lấy phiếu các thành viên của Ủy ban Pháp luật, trong số 40/42 ý kiến đồng ý thành lập thị trấn, có 28/40 ý kiến tán thành đổi sang tên gọi là Ninh Cường (chiếm 70%); 12/40 ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi Trực Phú (chiếm 30%)", báo cáo thẩm tra nêu chi tiết.