Sự dịch chuyển chiến lược kinh doanh của các ứng dụng gọi xe trong thời gian qua là rất nhanh và hầu hết đều hướng đến việc tích hợp dịch vụ thanh toán điện tử. Cuộc chạy đua tích hợp chức năng ví điện tử của các ứng dụng gọi xe ở Việt Nam đang ngày càng quyết liệt. Mới đây nhất, Gojek công bố việc hợp tác với PayPal để tích hợp dịch vụ thanh toán vào ứng dụng của họ.
Các ứng dụng gọi xe đang đẩy mạnh thanh toán quá các ví điện tử. Ảnh minh họa: V.Dũng
Ngày 5-8, ứng dụng Gojek chính thức vận hành tại Việt Nam, đồng thời cũng là sự kết thúc sứ mệnh của thương hiệu GoViet sau 2 năm có mặt trên thị trường. Nhân dịp này, ông Phùng Tuấn Đức CEO Gojek Việt Nam tiết lộ, trọng tâm phát triển của Gojek sắp tới sẽ xoay quanh ba dịch vụ là vận chuyển khách, giao hàng và thanh toán. Trong đó, thanh toán trực tuyến (tích hợp ví điện tử vào ứng dụng) là mảng đang thiếu trong hệ sinh thái của Gojek và sẽ là trọng tâm phát triển trong thời gian tới.
Grab - đối thủ cạnh tranh lớn của Gojet - đã đã tích hợp chức năng thanh toán vào ứng dụng với tên gọi là ví điện tử Moca từ cuối năm 2018 và hiện đã có độ phủ khá rộng. Tuy chậm chân một bước nhưng Gojek đã chọn cách đua nước rút thông qua việc bắt tay với ông trùm thanh toán trực tuyến PayPal để triển khai ví điện tử thay vì tự phát triển.
Nhìn tổng quan thị trường thì mảng thanh toán được xem như một chiến lược trọng tâm để các dịch vụ xe công nghệ nước ngoài như Gojek, Grab hay nội địa như Be, FastGo kiện toàn hệ sinh thái dịch vụ trong các ứng dụng đa dịch vụ của họ.
Thị trường thanh toán đang đạt trạng thái lý tưởng
Dù Gojek triển khai hơn 20 dịch vụ trên cùng một ứng dụng tại Indonesia nhưng thời gian qua ở Việt Nam, các dịch vụ được tích hợp vào ứng dụng Goviet tương đối chậm. Việc thanh toán điện tử trên Goviet chưa được triển khai khiến việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, sau khi nhận đầu tư từ hàng loạt các công ty lớn như Facebook, Paypal, Tencent và Google thì Gojek đã đưa mảng thanh toán vào danh sách những việc cần làm ngay sau khi tái cơ cấu ở Việt Nam.
"Một phần của thỏa thuận thương mại là các tính năng thanh toán của PayPal sẽ được tích hợp vào các dịch vụ của Gojek, và hai công ty cũng sẽ hợp tác để cho phép khách hàng của GoPay (ví điện tử của Gojek) có quyền truy cập vào mạng lưới hơn 25 triệu đối tác nhà hàng của PayPal trên toàn thế giới", ông Aluwi tuyên bố trong một thông cáo mới đây.
Trong khi đó nói riêng về thị trường Việt Nam lãnh đạo Gojek cũng cho biết, thanh toán là mảng còn lại đang thiếu trong hệ sinh thái và sẽ là trọng tâm phát triển trong thời gian tới. Trong khi đó việc phát triển mảng gọi xe 4 bánh không phải là mục tiêu trong ngắn hạn.
Đi trước Gojek một bước tại Việt Nam, các đối thủ chính trong lĩnh vực gọi xe như Grab, Be, Fastgo... cũng đã tích hợp thanh toán điện tử vào dịch vụ của mình. Hai năm trước, Grab đã vận hành phương thức thanh toán của mình qua ví Moca và nhanh chóng giúp cái tên này lọt top 6 ví điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Đầu năm nay, Be cũng đã liên kết với ví điện tử SmartPay trong khi FastGo cũng có hỗ trợ thanh toán phi tiền mặt qua ví điện tử Vimo. Hay như các ứng dụng chuyên gọi món như Baemin, Now cũng có những tùy chọn khác ngoài thanh toán tiền mặt cho khách hàng.
Đây là thời điểm thị trường Đông Nam Á đang đạt điều kiện lý tưởng để triển khai dịch vụ thanh toán điện tử. Ngoại trừ Singapore, mặt bằng chung tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong khu vực rơi vào khoảng 47% - 65% ở thời điểm trước dịch Covid-19 (theo báo cáo "Số hóa tiền mặt ở ASEAN" của Ngân hàng Standard Chartered xuất bản năm 2019).
Thêm vào đó, báo cáo của Adsota công bố hồi tháng 2 cũng chỉ ra Đông Nam Á có tới 2 nước lọt vào top 15 thị trường smartphone lớn nhất thế giới (Việt Nam và Indonesia). Chính những điều kiện này giúp Đông Nam Á trở nên sôi động hơn với các khoản đầu tư vào ngành fintech nói chung và phân ngành thanh toán số nói riêng.
Phát triển tốt trong hệ sinh thái của ứng dụng đa dịch vụ
Việc các hãng xe công nghệ, sau một thời gian ban đầu tập trung vào mảng cốt lõi là vận chuyển khách, chuyển hướng sang các mảng kinh doanh khác, không phải là câu chuyện mới. Khi đã xây dựng xong đội ngũ tài xế và số lượng khách hàng dùng ứng dụng đủ lớn, những doanh nghiệp này sẽ chiếm lợi thế lớn khi cạnh tranh với những đối thủ truyền thống trong ngành. Cả Grab, Gojek, Be hay các ứng dụng gọi xe tương tự đều hướng việc khai thác tối đa giá trị dưới nền tảng của một siêu ứng dụng.
Ban đầu, những mảng kinh doanh mà các hãng gọi xe hướng tới là đặt đồ ăn, thức uống hoặc giao hàng. Với một số những hãng có qui mô lớn, thậm chí họ sẵn sàng nhảy vào các mảng nhiều thách thức hơn như câu chuyện của Grab làm ngân hàng số và thương mại điện tử đã nói ở trên.
Theo trang Dealstreet Asia nhận định, những người kinh doanh mảng đồ ăn (F&B) vốn trước đây dùng GrabFood sẽ dần chuyển sang GrabMerchant, tích hợp cũng những người kinh doanh thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu (GrabMart) và cá thương nhân dùng GrabPay.
Fastgo nhận đầu từ NextTech cũng đã triển khai sàn thương mại điện tử từ năm 2018. Năm ngoái, đến lượt Viettel ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo và một sàn thương mại điện tử tên Vỏ Sò. Ứng dụng gọi xe TADA cũng tham gia cuộc chơi này ở Việt Nam sau khi nhận vốn từ Shinhan Bank.
Có thể thấy khi các ứng dụng gọi xe được phát triển trở thành siêu ứng dụng sân chơi thanh toán bắt đầu nóng lên trên không gian này. Quan sát ba ông lớn trên thị trường ví điện tử hiện nay như Moca, MoMo và ZaloPay thì các ví đều có chung các tính năng cơ bản như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ. Tuy nhiên Moca có thêm lợi thế để bứt tốc khi được tích hợp trong hệ sinh thái Grab như đặt xe, giao thức ăn, giao hàng hay mới đây nhất là đi siêu thị hộ và mua hộ hàng hóa.
Momo mới đây nắm cơ hội này khi Be mở rộng thêm dịch vụ đi chợ thay trong ứng dụng gọi xe. Sắp tới Gojek sẽ có thể sẽ tập trung phát triển ứng dụng thanh toán GoPay của mình thông qua sự hậu thuẫn của các ông lớn công nghệ.
Người đứng đầu Gojek Việt Nam cho biết ứng dụng thời gian tới cũng sẽ được cải tiến trên nền tảng công nghệ của công ty mẹ. Ông nhấn mạnh công ty tập trung vào trải nghiệm khách hàng chứ không phải chiến lược “đốt tiền”. Công ty sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm theo hướng đa dạng hóa dịch vụ mà trong thời gian trước mắt vẫn là kiện toàn mảng thanh toán.
Trong khi đó, Grab Việt Nam chưa tích hợp các nền tảng vào GrabMerchant. Tuy nhiên, nếu công ty mẹ tại Singapore đã thông báo tích hợp, quá trình triển khai có lẽ sẽ diễn ra trong vòng vài tháng tới. Với dữ liệu khách hàng sẵn có, khi xét về đường dài thì hệ sinh thái thanh toán tốt mới chính là yếu tố giúp các ví điện tử lên ngôi. Như vậy, các ứng dụng gọi xe sẽ là không gian tốt nhất cho việc triển khai các phương thức thanh toán một cách tối ưu.