Sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong 20 năm tiếp theo đang đặt sinh mạng chúng ta vào rủi ro
Sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong 20 năm tiếp theo đang đặt sinh mạng chúng ta vào rủi ro”, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, đã mở đầu Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018. Trong lúc đó, Việt Nam trải qua một năm thành công trong việc thu hút vốn đầu tư quốc tế, vượt qua Indonesia vốn có truyền thống thu hút FDI lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Ngành tiện ích, mà đóng góp lớn nhất là các dự án nhiệt điện than được đăng ký đầu tư bởi Nhật, là động lực chính của cuộc soán ngôi thần kỳ này. Đầu tư FDI lớn vào nhiệt điện than có đáng lo ngại không? Nếu có, làm thế nào để Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng trong phát triển bền vững?
Phù hợp với quy hoạch
Trong năm 2017, có 3 dự án nhiệt điện than đã đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 7 tỉ USD gồm Vân Phong I, Nghi Sơn II và Nam Định I . Mặc dù chiếm gần 40% trong cơ cấu nguồn vốn FDI, nhưng điều này không phải là đột biến mà thậm chí còn thấp hơn so với kế hoạch. Nhà nước chủ trương thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài cho ngành điện nhằm giảm áp lực lên ngân sách nhà nước, do đó trong tương lai phần lớn các dự án điện than sẽ sử dụng nguồn vốn FDI. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2017 đáng lẽ phải có 7 dự án điện than đăng ký, để các nhà máy có thể đi vào vận hành vào năm 2021-2022 theo kế hoạch. Nghĩa là lẽ ra tổng đăng ký FDI năm 2017 cho các dự án điện than phải gấp đôi con số đã đạt được.
Theo nghiên cứu của GreenID, Trung Quốc dẫn đầu trong việc tài trợ vốn cho các nhà máy nhiệt điện than, kế đến là Nhật và Hàn Quốc. Tuy nhiên từ năm 2017, đầu tư cho điện than ở Việt Nam của Nhật có tín hiệu mạnh mẽ hơn Trung Quốc.
Động lực chính để Nhật đầu tư mạnh vào điện than ở Việt Nam là nhằm mở rộng thị trường cho các công ty của họ. Một dự án sẽ luôn có bộ ba song hành gồm chủ đầu tư, ngân hàng cấp vốn và tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng). “Như vậy, mục đích cuối cùng của hoạt động đầu tư là xuất khẩu công nghệ, thiết bị của nước đầu tư đồng thời tạo công ăn việc làm và lợi nhuận cho các công ty như Marubeni, Sumitomo và IHI”, bà Nguyễn Thị Hằng, Điều phối viên Chương trình Nghiên cứu của GreenID, phân tích.
Hiệp hội Kinh doanh Nhật Keidanren liệt kê Việt Nam trong danh sách các quốc gia mục tiêu mà họ hướng đến để thúc đẩy sử dụng than ở châu Á. Việt Nam là quốc gia nhận vốn đầu tư cho điện than lớn thứ 2, chỉ sau Bangladesh trong các “điểm nóng” về phát triển điện than tại khu vực.
Nhằm khẳng định việc phát triển điện than nhưng không bao gồm ô nhiễm, Quy hoạch điện VII yêu cầu dự án phải áp dụng công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn. Hội đồng Bảo vệ Tài Nguyên Thiên nhiên NRDC đã chỉ ra rằng Nhật đã áp dụng chiến lược quảng bá cho “công nghệ than sạch” kể trên, có hiệu suất cao, phát thải thấp để thúc đẩy xuất khẩu công nghệ điện than. Nhưng thực tế, loại công nghệ này chỉ có hiệu suất cao hơn một chút so với công nghệ Việt Nam đang sử dụng, giảm tiêu hao nhiên liệu và chi phí vận hành, còn lượng phát thải CO2 không được giảm đáng kể, chỉ khoảng 7-9%.
Ngoài ra, việc cải thiện công nghệ lò hơi này không mấy liên quan đến việc kiểm soát phát thải bụi và các khí độc hại như NOx và SOx. Vì công nghệ để kiểm soát có chi phí rất cao, sẽ làm tăng chi phí đầu tư của dự án nên chủ đầu tư chỉ lắp đặt nếu luật quốc gia chủ nhà yêu cầu. Tại Việt Nam, giới hạn phát thải còn rất cao, đồng thời giám sát và chế tài chưa mạnh.
Nguồn năng lượng gây tranh cãi
Quy hoạch điện VII lên kế hoạch tăng gấp 5 lần công suất điện than vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với những rủi ro về kinh tế và môi trường mà Việt Nam sẽ đối mặt, theo bà Hằng.
Việc phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng không những tạo gánh nặng lên cán cân thương mại quốc gia, mà còn hàm chứa nhiều bất ổn nếu thiếu hụt nguồn cung. Từ năm 2016, Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu than. Lượng than được dự đoán sẽ tăng lên đến 20 triệu tấn vào năm 2020, tương ứng 1 tỉ USD. Vào năm 2030, để đáp ứng cho quy hoạch nhiệt điện than chiếm 53% trong số 572 TWh điện sản xuất ra, chi phí nhập khẩu than ước tính từ 3-5 tỉ USD.
Kế đến, rủi ro về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu gia tăng khi phát thải bụi tăng lên gấp 11 lần, phát thải SO2 tăng gấp 7 lần và phát thải khí NOx tăng hơn 4 lần so với năm 2014. Nước làm mát của các nhà máy nhiệt điện than thải ra ở nhiệt độ cao cũng là vấn đề lớn. Đến năm 2030, nếu 60 nhà máy nhiệt điện than đặt khắp các con sông và ven biển trong cả nước cùng vận hành thì có thể hình dung Việt Nam thành một “hồ xông hơi” khổng lồ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái dưới nước và ngành đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, xỉ than cũng đe dọa gây ô nhiễm nguồn nước ngầm nếu không có phương án xử lý phù hợp.
Trước kia, khi một nhà máy điện than về địa phương, người dân cảm thấy vui mừng vì cho rằng dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích như tạo việc làm, thì nay niềm vui đó xen lẫn nỗi lo ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe. Tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất rút nhà máy điện than ở tỉnh này ra khỏi quy hoạch để đảm bảo môi trường sạch cho nuôi trồng thủy sản.
Trước xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo của thế giới, kế hoạch phát triển điện than của Việt Nam còn đối mặt với rủi ro trở thành “bãi rác công nghệ” của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc nếu các tiêu chuẩn về phát thải không được thắt chặt và năng lực quản lý không được cải thiện.
Điện than được chọn vì đánh giá là nguồn năng lượng cho chi phí rẻ. Tuy nhiên, theo GreenID, nếu tính đầy đủ chi phí ngoại biên (chi phí môi trường và xã hội), điện than không hề rẻ hơn nguồn năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời, điện sinh khối, thủy điện và phong điện.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương, việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo là nhu cầu tất yếu. Đây là xu thế mới và đang làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng.
Ông John Kerry cũng cho rằng Việt Nam cần đầu tư sử dụng điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Theo ông, các định chế tài chính đang ngày càng rút khỏi đầu tư cho sản xuất điện than. “Tôi có niềm tin mạnh mẽ than đá không rẻ hơn năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo khác nếu tính đủ các mức độ ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Thậm chí, nếu tính đủ thì còn đắt hơn. Việt Nam cũng đang có cơ hội thay đổi một cách căn cơ, hiệu quả hơn và sẽ tiết kiệm hàng tỉ USD cho ngân sách, đồng thời người dân có cuộc sống chất lượng hơn, tạo nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực này hơn”.
Chuyên gia của GreenID cho rằng để giải bài toán điện cho nền kinh tế một cách bền vững thì giải pháp ưu tiên hàng đầu là áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việt Nam là quốc gia có hiệu quả sử dụng năng lượng thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Cường độ tiêu thụ năng lượng quốc gia của Việt Nam cao gấp 6 lần so với Nhật, gấp 3 lần Singapore và gấp 2 lần Philippines. Theo GreenID, nếu áp dụng các biện pháp trên sẽ giảm được 17.000MW điện, đồng nghĩa với giảm áp lực xây dựng nhà máy điện mới.
Với việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng, Việt Nam có thể giảm khoảng 30.000MW điện than, tương đương với khoảng 25 nhà máy điện than. Điều này có nghĩa mỗi năm sẽ không phải đốt 70 triệu tấn than tương ứng với 7 tỉ USD cho việc nhập khẩu than và giảm khoảng 60 tỉ USD vốn đầu tư cho các dự án này. Công suất điện than giảm xuống chủ yếu được thay thế bằng năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí.
Thanh Hằng / NCĐT