Nhân viên Domesco trong một chương trình giới thiệu sản phẩm. Ảnh: T.L
Ngày 6-9-2016, Trung tâm Lưu ký chứng khoán có văn bản gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC-Hose) đã được điều chỉnh từ 49% lên 100% theo sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngày hôm sau cổ đông tổ chức lớn nhất tại DMC là CFR International SPA (Chile) đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 45,9% hiện tại lên 51,7%. Nếu việc mua này thành công, Domesco sẽ trở thành công ty con của đối tác ngoại CFR International SPA. Liệu CFR International SPA có tiến tới thâu tóm toàn bộ DMC?
Hiệu ứng nới room
CFR International SPA bắt đầu đặt chân vào Domesco cuối năm 2011 với việc bỏ ra 185 tỉ đồng mua 8,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ gần 39% lúc bấy giờ. Suốt năm năm qua, tuy có cử người tham gia vào hội đồng quản trị công ty, nhưng vai trò của CFR International SPA khá mờ nhạt nếu không muốn nói là không có gì. Trong báo cáo tài chính bán niên mới nhất 2016 cũng như báo cáo tài chính những năm trước, ở phần giao dịch với các bên liên quan, DMC chỉ rõ giao dịch với CFR International SPA là “mua nguyên liệu”. Số tiền phải trả cho mua nguyên liệu từ CFR International SPA hàng năm cũng không lớn, khoảng 3-4 triệu đô la Mỹ.
Từ năm ngoái trở về trước, việc nâng room lên quá mức 49% ở các doanh nghiệp dược phẩm không được đề cập nhiều. Có lẽ vì thế mà thị trường chẳng mấy để ý đến CFR International SPA ở DMC. Hơn nữa, nếu có mở room cũng khó thay đổi cơ cấu cổ đông của Domesco. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang sở hữu 34,7% cổ phần tại đây, Quỹ Y tế Bản Việt nắm 4,5% và Deutsche Bank có trong tay 4,9%. Số lượng cổ phiếu có thể giao dịch bên ngoài khoảng 10%, nên thanh khoản của DMC thường rất yếu và thị giá cũng không hấp dẫn. Từ quí 3-2013 đến gần hết quí 1-2016 thị giá của DMC quanh quẩn 30.000 đồng (giá đã được điều chỉnh qua các đợt chia thưởng bằng cổ phiếu và trả cổ tức tiền mặt).
Cho dù là cổ đông lớn nhất, nhưng CFR International SPA hầu như không có quyền quyết định ở Domesco. Còn để nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 65% hoặc cao hơn nhằm giành quyền kiểm soát tối đa, CFR International SPA cần thương lượng mua lại cổ phần mà SCIC đang nắm giữ. |
Tuy nhiên từ tháng 3-2016 giá cổ phiếu DMC bắt đầu “chạy” và hết quí 2-2016 đã đạt mức 50.000 đồng. Một số công ty chứng khoán nhận định giá cổ phiếu DMC nói riêng, ngành dược nói chung “ấm” lên vì chúng đã đứng yên tại chỗ quá lâu. Hơn nữa, các doanh nghiệp dược kinh doanh ổn định, chia cổ tức đều và là cổ phiếu phòng thủ tốt.
Sang tháng 7-2016, việc nới room trở thành đề tài “nóng” với Domesco và các công ty dược. Chỉ trong hơn hai tháng thị giá DMC tăng gấp đôi, từ 50.000 lên 101.000 đồng khi giới đầu tư tin rằng CFR International SPA sẽ thâu tóm công ty. Ở mức giá hiện tại và căn cứ vào lợi nhuận có khả năng đạt được trong năm nay (khoảng 155 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch của công ty; 81 tỉ đồng lãi ròng trong sáu tháng đầu năm theo báo cáo tài chính bán niên, tăng 20% so với cùng kỳ), chỉ số P/E của DMC đã trên 20 lần, thuộc nhóm cao nhất thị trường hiện nay.
CFR International SPA là ai?
CFR International SPA là một công ty con của tập đoàn CFR Pharmaceutical SA được thành lập ở Chile và hiện diện tại Việt Nam từ năm 2006. Trong một bản phân tích về cổ phiếu DMC từ ba năm trước, Công ty Chứng khoán FPT cho rằng CFR International SPA có thể “nhờ” Domesco phân phối các dòng thuốc kháng sinh đặc trị, nhất là thuốc trị ung thư, vốn là sản phẩm thế mạnh của họ. Tận dụng hệ thống phân phối của các công ty dược trong nước để bán sản phẩm vào Việt Nam, trong đó có mối quan hệ của các doanh nghiệp này với các bệnh viện, là việc mà nhiều đối tác nước ngoài thường tiến hành không chỉ trong ngành dược.
Trên thực tế ban đầu Domesco đã có sự dịch chuyển sang sản xuất các loại thuốc generic đặc trị thay cho dòng thuốc phổ thông. Sự chuyển hướng này không loại trừ có sự tư vấn của CFR International SPA. Song, việc xây dựng nhà máy mới non-betalactam của Domesco, theo Công ty Chứng khoán HSC, đã liên tục bị trì hoãn ba năm nay. Trong khi đó đối tác ngoại đã tự đầu tư mua một nhà máy mới ở Việt Nam. HSC cho rằng có thể có những lo ngại trong việc bỏ thêm vốn đầu tư của nước ngoài vào Domesco.
Mặt khác không thể không thấy rằng từ giữa năm ngoái triển vọng kinh doanh của các công ty dược phẩm đã được nhận định là chậm lại do giá bán sản phẩm không được tăng tương ứng với giá nguyên liệu đầu vào (dưới sự kiểm soát của Cục Quản lý dược). Chưa kể cơ quan này siết chặt việc đăng ký thuốc. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế, bệnh viện đã được mở rộng, không còn ưu đãi nhất nhất cho các đơn vị nội địa. Sự cạnh tranh trong đấu thầu thuốc tất yếu diễn ra. Có thể vì những tác động này mà CFR International SPA không còn đặt nhiều kỳ vọng vào Domesco như một kênh hiệu quả để giúp họ gia tăng sự hiện diện ở thị trường Việt Nam.
Nhìn từ đây, câu chuyện thâu tóm DMC hình như đã không còn mang tính trọng yếu như trước đối với CFR International SPA. Điều này có gì đó hao hao như lĩnh vực ngân hàng. Khoảng 5-7 năm trước, nhiều ngân hàng danh tiếng quốc tế đã mua cổ phần của các tổ chức tín dụng nội địa với giá ngất ngưởng. Sau này, khi đã mở được chi nhánh 100% vốn nước ngoài và hiện nay là ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, họ tìm cách chuyển nhượng khoản đầu tư trước kia.
Hiện tại, cho dù là cổ đông lớn nhất, nhưng CFR International SPA hầu như không có quyền quyết định ở Domesco. Còn để nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 65% hoặc cao hơn nhằm giành quyền kiểm soát tối đa, CFR International SPA cần thương lượng mua lại cổ phần mà SCIC đang nắm giữ - một việc không dễ.
Với chỉ số P/E hơn 20 lần, cổ phiếu DMC không còn rẻ (gần đây một số thành viên hội đồng quản trị DMC đã liên tục đăng ký bán cổ phần). Mua một nhà máy mới ở Việt Nam như họ đã làm, đầu tư sản xuất các sản phẩm chuyển giao nhượng quyền có thể mang lại lợi nhuận cao hơn cho CFR International SPA thay vì bỏ thêm vốn vào DMC. CFR International SPA không thể không tính toán đến điểm đó.
Thành Nam / thesaigontimes.vn