Sở hữu nhiều điểm cộng với những thành công bước đầu, liệu 7-Eleven có làm nên chuyện tại thị trường Việt Nam khi bài học thất trận ở Indonesia vẫn còn đó?
Giới trẻ ưa cuộc sống tiện lợi
Cơn sốt 7-Eleven đối với người tiêu dùng tại TP.HCM đã tạm lắng xuống khi có tới 4 cửa hàng được khai trương trong vòng gần 1 tháng qua. Nhưng mong muốn được trải nghiệm không gian mua sắm tại đây của nhiều người tiêu dùng vẫn hiện hữu. Trong khi đó, đối với những ai đã từng đi nước ngoài, nhất là Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…, thì sự xuất hiện của 7-Eleven tại Việt Nam quá đỗi bình thường.
3 tuần trước, khi sự kiện 7-Eleven khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM sôi nổi trên báo chí và facebook, thậm chí có dư luận là người dân được trả tiền để xếp hàng. Song ở ngoài cuộc sống thường nhật của những nhân viên công sở, không ai đề cập nhiều vấn đề này, vì họ thấy đây chỉ là một cửa hàng tiện lợi giống như nhiều cửa hàng khác đã xuất hiện ở Việt Nam bao năm nay như Ministop, B’smart, Circle K, Vinmart+, Shop & go…
Sau thời gian đầu được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận, cơn sốt 7-Eleven đã tạm lắng ảnh: lê toàn. |
Khoảng 3 năm trở lại đây, Nguyễn Tấn Minh, một nhân viên truyền thông tại một tập đoàn lớn trong ngành hàng tiêu dùng không còn mua đồ ở các tiệm bán hàng truyền thống, vỉa hè vì không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, không rõ xuất xứ, nhiều khi mua phải hàng hết hạn sử dụng. Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi mọc lên nhan nhản khắp nơi, người tiêu dùng có thể yên tâm về mọi thứ.
Việc đến các cửa hàng 24/24 mua đồ giúp Minh tiết kiệm thời gian hơn là đi siêu thị lớn. Trước đó, Minh hay mua của Ministop (chuỗi các cửa hàng quy mô nhỏ tại các trung tâm đô thị của tập đoàn AEON - Nhật Bản), nhưng Minh sẽ không ngần ngại chia tay Ministop để đến với 7-Eleven, nếu cửa hàng này xuất hiện gần chỗ mình ở.
“7-Eleven có bán mấy loại hàng hoá tự làm mà Ministop không có, như bánh, sữa chua… ăn cũng hợp khẩu vị. Tôi hay mua đồ ăn sáng như bánh mỳ để tiết kiệm thời gian ăn ở công ty”, Minh chia sẻ.
Ngoài ra, 7-Eleven thu hút mọi người tiêu dùng vì có ưu điểm riêng như bán hàng nước ngoài nhập từ các nước trong khu vực, nguồn hàng bánh kẹo đa dạng, bày trí ngắn nắp. Đặc biệt, 7-Eleven có menu 100 món ăn theo phong cách Việt Nam và menu này được thay đổi mỗi ngày. Đây không phải là điểm mạnh của 7-Eleven mà là điểm khác biệt.
Tuy nhiên, giá bán ở đây hơi cao hơn so với các chuỗi cửa hàng khác, như sữa chua hộp Vinamilk ở ngoài bán 6.200 đồng, Ministop bán 7.500 đồng, 7-Eleven bán 8.000 đồng. “Giá cả cao hơn so với mua trong siêu thị, nhưng điều đó không quan trọng, chủ yếu là tôi thích sự tiện lợi thôi”, Minh chia sẻ.
Theo Minh, giá cả chênh lệnh này không phải do độ nổi tiếng của thương hiệu mà do chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thuê mặt bằng. Vì các cửa hàng đều nằm ở những khu vực đắc địa ở Sài Gòn - thành phố đông dân và năng động nhất nước. Người tiêu dùng phổ thông như Minh hy vọng sau giai đoạn đầu thì giá những mặt hàng ở 7 - Eleven sẽ bình ổn trở lại.
Theo Minh, điểm hạn chế duy nhất của 7-Eleven lúc này là ít cửa hàng khu vực ngoài quận trung tâm, nếu muốn mua đồ thì phải ra tòa nhà Saigon Trade Center (37 Tôn Đức Thắng, quận 1). Nhưng điểm này đang không có chỗ đỗ xe cho khách đi xe máy. “Nơi nào tiện thì tôi sẽ vào mua. Cạnh tranh mà, cái nào tốt hơn thì khách hàng có quyền lựa chọn”, Minh nói.
Vì sao 7-Eleven thấy tự tin?
Không rầm rộ, hoành tráng như các thương hiệu siêu thị, đại siêu thị, kênh cửa hàng tiện lợi đã âm thầm xuất hiện ở Việt Nam những năm qua (Circle K, B’s mart, Ministop, Shop & Go, Vinmart+) và thực sự bùng nổ trong năm nay với sự xuất hiện khá đình đám của 7-Eleven.
“Về cơ bản, các cửa hàng này như nhau. Tôi thường xuyên ghé qua đây không phải vì chuộng đồ Nhật, Thái, mà vì tiện lợi, gần nhà. Nếu ở gần siêu thị, tôi cũng sẽ đi siêu thị nhiều hơn là cửa hàng tiện lợi”, Thy Thy, nhân viên truyền thông Công ty Asus Việt Nam chia sẻ.
Như vậy có thể nói, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam sẽ thay đổi nhanh chóng, sẵn sàng thích nghi với cái mới, nhưng cũng không ngần ngại rời bỏ cái mới, nếu thấy nó không phù hợp với nhu cầu. Thực tế, người tiêu dùng trẻ Việt Nam không thực sự thích gắn kết với một thương hiệu nào, mà sẵn sàng thử nếu cửa hàng đem lại sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và sự tiện lợi nhất có thể.
Đó là lý do vì sao, 7-Eleven có chiến lược phát triển các chuỗi cửa hàng tiện ích có thể tìm thấy ở mọi nơi, trên các đường phố đông đúc, hay tận các góc phố, ngõ nhỏ trong các khu dân cư. Tại Việt Nam, 7-Eleven có mục tiêu mở 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trên cả nước trong vòng 10 năm tới. Được biết, theo kế hoạch, mỗi tuần họ sẽ mở một cửa hàng ở Việt Nam, trước mắt TP.HCM sẽ là trọng tâm. Có thể nói, 7-Eleven là nhà bán lẻ ngoại đầu tiên vào Việt Nam đặt mục tiêu cán mốc số lượng cửa hàng lớn như vậy.
Giới bán lẻ trong nước đang kháo nhau rằng, người có công đưa 7-Eleven về Việt Nam không ai khác chính là ông Henry Nguyễn Bảo Hoàng, người đứng đầu quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam và cũng chính là người đưa chuỗi thương hiệu thức ăn nhanh McDonald’s về Việt Nam 3 năm trước.
Đặc biệt, cùng góp cổ phần trong Công ty Seven System Vietnam (đối tác nhận nhượng quyền chuỗi 7-Eleven) lần này còn có ông Phạm Phú Ngọc Trai, một trong những nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc và là một trong số ít nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật của Việt Nam trong suốt hai thập niên qua, giai đoạn kinh tế đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập với kinh tế thế giới. Ông Trai cũng rất am hiểu ngành hàng bán lẻ, hàng tiêu dùng….
Đó là lý do khiến nhiều người nghĩ, chuỗi cửa hàng này sẽ làm nên chuyện tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, những thành công bước đầu chưa nói lên điều gì với người chơi mới này.
Cạnh tranh với cửa hàng tiện ích nội địa
Trong khi 7-Eleven mới đặt chân vào Việt Nam và được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận, thì lại không thể trở thành một phần cuộc sống của khách hàng tại Indonesia, dẫn đến buộc phải đóng cửa toàn bộ sau 8 năm có mặt tại đây. Trước đó, Modern International, đơn vị điều hành thương hiệu này cũng liên tục mở rộng chuỗi ra ngoài Thủ đô Jakarta.
Cũng giống như ở Việt Nam, 7-Eleven mang đến một không gian giải trí hiện đại cho giới trẻ Indonesia cùng với các món ăn đa dạng, giá cả phải chăng. Song điều đó không đủ để 7-Eleven tồn tại, khi mà thương hiệu này phải cạnh tranh với Alfamart và Indomaret, hai hệ thống cửa hàng tiện lợi nội địa với lịch sử lâu đời và mạng lưới rộng khắp Indonesia.
Ban đầu, Alfamart và Indomaret cũng học theo 7-Eleven khi thấy đối thủ mới đạt được những thành công nhất định. Hai chuỗi này đã hoạt động khá lâu dưới dạng siêu thị nhỏ. Về sau, cả hai hướng đến mô hình cửa hàng tạp hóa bán thực phẩm tươi sống hơn là một cửa hàng tiện lợi, không tập trung nhiều vào thức ăn và đồ uống có cồn.
Đây là bài học mà 7-Eleven Việt Nam cần để tâm, song hiện tại, họ chưa sẵn sàng để trả lời các câu hỏi liên quan đến cạnh tranh đó. Bởi cái tên Vinmart+ (thuộc Vingroup) có thể sẽ là Alfamart và Indomaret phiên bản Việt Nam. Vinmart+ bước chân vào địa hạt bán lẻ muộn hơn rất nhiều so với các đối thủ trong và ngoài nước, nhưng lại sở hữu số lượng cửa hàng đồ sộ nhất Việt Nam.
Chỉ sau hơn 2 năm khởi động, Vinmart+ đã có khoảng 1.000 cửa hàng. Ngay trong năm nay, Vinmart+ sẽ có thêm 1.000 cửa hàng. Với con số khổng lồ đó, Vinmart+ phải có mặt được tại ít nhất 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung số lượng lớn nhất vẫn là Hà Nội và TP.HCM.
Có thể hiện nay, Vinmart+ chỉ bán rau, củ, quả tươi, chưa bán nhiều đồ chế biến ăn sẵn, thương hiệu riêng vốn thu hút giới trẻ, ưa lối sống nhanh, gọn như 7-Eleven, nhưng họ đang dần thay đổi chiến lược. Vinmart+ sẽ vừa cung cấp thực phẩm sạch, rau củ quả VinEco được coi là lợi thế đặc biệt và những hàng hóa thiết yếu cho các bà nội trợ, giới công sở bận rộn, đồng thời cung cấp thực phẩm ăn nhanh và sơ chế khác cho tầng lớp khách hàng trẻ. Thông qua VinmartCook, các sản phẩm sẽ được chế biến tại trung tâm để phân phối tới các cửa hàng.
Như vậy, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi đã có mặt ở thị trường Việt Nam đều có cách riêng để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng của mình. Nhưng tâm lý và nhu cầu khách hàng thay đổi liên tục và không gắn kết cố hữu với một thương hiệu nào cho thấy ai muốn chiếm trọn trái tim khách hàng, ngoài sự tiện lợi, tối giản nhất có thể, thì cần hiểu và đi cùng sự thay đổi nhu cầu của khách hàng.
Anh Hoa / baodautu