Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất đối với Việt Nam trong năm cũ 2016, và có thể sẽ là của cả năm mới 2017 nữa.
Việc chỉ đạt mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến là 6,21% trong năm 2016 (mức mục tiêu là 6,7% và từ 6,3-6,5% sau khi điều chỉnh) được xem là một tai nạn xuất phát từ những hậu quả bất khả kháng do thiên tai hạn mặn và thảm họa môi trường gây ra, và nếu không có gì bất ngờ xảy ra, tăng trưởng sẽ tăng nhanh trở lại trong năm 2017.
Điều này được khẳng định bởi Dự báo của Ngân hàng Standard Chartered đưa ra vào ngày 13.1 vừa qua, theo đó dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 sẽ là 6,6% với sự ổn định của hầu hết các chỉ số vĩ mô quan trọng nhất của nền kinh tế (theo The Saigon Times). Việt Nam sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định trung bình 6,7-7%/năm trong tương lai gần. Nhưng, đó mới chỉ là một mặt của câu chuyện tăng trưởng.
Bản dự báo tăng trưởng được đưa ra vào những ngày đầu năm mới 2017 của ngân hàng Standard Chartered là một trong những dự báo đầu tiên về nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 1 năm sắp tới, và nó bao hàm những nội dung tương đối tích cực. Ngoài mức tăng trưởng dự báo khá cao là 6,6%, tổng giám đốc ngân hàng Standard Charttered Việt Nam là ông Nirukt Sapru còn nhận định: “Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều được cải thiện trong thời gian gần đây, tạo ra nhiều tiến triển tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn” (theo The Saigon Times).
Những dự báo này của ngân hàng Standard Chartered cũng khá tương đồng với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đối với nền kinh tế trong năm 2017, theo đó tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 6,7%, tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 6-7%. Thực tế cũng cho thấy, nếu không phải đối mặt với thiên tai hạn mặn đã tàn phá nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long và thảm họa môi trường biển ở các tỉnh miền Trung, thì Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 6,6-6,7% trong năm 2016 kể cả khi nền kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, có nhiều điều đáng nói xung quanh con số dự báo tăng trưởng 6,6% mà Standard Chartered đưa ra này. Trên thực tế, nó là kết quả của việc tiếp tục duy trì và thúc đẩy mô hình tăng trưởng cũ dựa trên đầu tư, xuất khẩu và thâm dụng lao động đơn giản, chứ không phải là kết quả của những nỗ lực cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng như không ít người vẫn nghĩ.
Bản báo cáo của Standard Chartered cũng thừa nhận tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017 sẽ tiếp tục chủ yếu dựa vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng xuất khẩu dựa trên năng lực sản xuất của khu vực FDI. Chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á của ngân hàng này là ông Chidu Narayanan cho biết: “Chúng tôi dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 2017 vẫn ở mức cao, khoảng 10 tỉ USD. Đồng thời những tác động tiêu cực của việc TPP không được thông qua (nếu xảy ra) lên Việt Nam sẽ ở mức thấp nhất, khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam để đón đầu TPP đã rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua” (theo The Saigon Times).
Điều tương tự cũng đã diễn ra trong năm 2016. Ngay từ giữa tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2016 sẽ chỉ đạt khoảng 6,2% do hậu quả của thiên tai hạn mặn ở miền Nam và thảm họa môi trường ở miền Trung.
Và thực tế đã cho thấy dự báo của WB là chính xác, Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 6,21% trong cả năm, mặc dù đã có không ít những động thái cải thiện môi trường kinh doanh được Chính phủ và các Bộ ngành thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Nó cho thấy, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư, xuất khẩu và thâm dụng lao động giá thành rẻ đã ăn quá sâu vào nền kinh tế Việt Nam, khiến cho những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh khá ít ỏi của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm 2016 chỉ như muối bỏ bể mà thôi.
Điều này đang dẫn tới yếu tố cốt lõi của vấn đề, đó là cải cách nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng không phải lúc nào cũng đi liền với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đôi khi còn là trái ngược nhau. Quá tập trung vào tốc độ tăng trưởng sẽ dẫn tới việc níu kéo mô hình tăng trưởng cũ kỹ và lạc hậu vốn cần được đổi mới.
Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho biết: “Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay không phải là tháo gỡ khó khăn nữa. Đổi mới mô hình tăng trưởng mà chỉ là tháo gỡ khó khăn thì chẳng được việc gì, tháo gỡ khó khăn thì bao giờ mới xong?”. Nói cách khác, việc quá chú tâm đến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng có thể lại trở thành lực cản đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng về dài hạn.
Bản thân việc chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP cũng đang dẫn tới những hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế Việt Nam về dài hạn, mà một trong số đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có mức tăng trưởng khá cao nhưng không phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên như mọi năm, khi ngành khai khoáng giảm tới 4% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,33% (theo CafeF); nhưng năm 2016 lại chứng kiến mức gia tăng chóng mặt của hai lĩnh vực cốt lõi là sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo (tăng lần lượt 7,5% và 11,2%) và góp công lớn vào việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,21%, mà cả hai lĩnh vực này đều do khối FDI nắm giữ phần lớn.
Sẽ không mất quá nhiều thời gian nữa để khu vực FDI đạt mức trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Càng lạm dụng và níu kéo mô hình tăng trưởng cũ dựa trên đầu tư và xuất khẩu, kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng bị lệ thuộc vào khu vực FDI.
Theo Nhàn Đàm
Một thế giới