Thế hệ Y (từ 1985 -2000) sẽ dẫn dắt nguồn nhân lực tại Việt Nam trong một vài năm tới.
Đây là thông tin vừa được chia sẻ tại Hội nghị Nhân sự nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2016 tại TP HCM do Công ty Anphabe tổ chức sáng nay (22/3) tại TP.HCM.
Theo khảo sát của Anphabe, thế hệ Y (từ 1985 -2000) đang chiếm tỷ trọng đáng kể khoảng 42% tại các công ty. Đây là thế hệ sẽ dẫn dắt nguồn nhân lực tại Việt Nam trong một vài năm tới. Tuy nhiên, so với các thế hệ đang làm việc cùng là Baby Boomer (sinh từ 1950 –1969) và thế hệ X (sinh từ 1970 –1985), cách suy nghĩ, làm việc và hành xử của gen Y có rất nhiều khác biệt. Cùng với đó, ngày càng khó để giữ chân nhân sự trẻ (Gen Y), các công ty thừa nhận thách thức lớn là xây dựng được nét văn hóa doanh nghiệp đồng nhất giữa các thế hệ. Do đó, cơ hội sẽ dành cho công ty nào phát huy được sự gắn kết đa thế hệ.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành Anphabe: đa số các doanh nghiệp đang cảm thấy gió giữ chân các bạn trẻ gen Y. |
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành Anphabe cho biết, gen Y có nhiều ưu điểm vượt trội so với gen X & Babyboomer. Đó là nhiệt tình và đầy đam mê khi được làm công việc yêu thích. Họ có sức sáng tạo tuyệt vời, dường như không bao giờ thiếu những ý tưởng đột phá, tư duy mở, thích khám phá học hỏi, năng động và giàu năng lượng.
“Nhìn chung rất giỏi công nghệ và biết cách ứng dụng công nghệ trong công việc. Khả năng tiếp cận cái mới và thích ứng nhanh, có thể học từ nhiều nguồn linh hoạt. Có tính độc lập cao và có thể làm nhiều được nhiều việc đa dạng cùng 1 lúc. Một điều đặc biệt là thế hệ này luôn có khát khao được dẫn đầu và đó cũng chính là yếu tố giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu”, bà Thanh Nguyễn cho biết.
Dù vậy, thế hệ này có một số điểm yếu là thiếu kiên nhẫn, vì muốn kết quả nhanh chóng nên hay chọn hướng tiếp cận "được ăn cả ngã về không". Cách này khá rủi ro cho doanh nghiệp vì khi làm không được, bạn sẽ nghỉ còn doanh nghiệp phải gánh hậu quả đôi khi rất lớn. Cũng với tâm lý này, kế hoạch do họ đưa ra cũng ít suy tính đường dài, thiếu tính toán tới các tác động tới các bộ phận khác. Khi khó khăn, các bạn cũng dễ thiếu kiên định để trải nghiệm hoặc rút ra bài học cho những thử thách sau.
Cùng với đó, việc quá phụ thuộc internet, giỏi tìm kiếm những thông tin "sẵn có" cũng khiến nhiều bạn trẻ lười suy nghĩ. Cộng với việc thiếu kinh nghiệm thực tế, đôi khi họ có những ý tưởng bay bổng mà lại thiếu chiều sâu và tính khả thi. Trong thực tế doanh nghiệp, nhất là giai đoạn khó khăn, không phải lúc nào mọi thứ cũng có sẵn. Họ cũng dễ bốc đồng, hay đòi hỏi và sức chịu đựng khó khăn kém hơn.
Theo bà Hồng Nhung, Giám đốc nhân sự Nielsen Việt Nam, gen Y cho rằng, sếp của họ thường là người những thế hệ trước hay bị coi là lạc hậu, cứng nhắc, thậm chí là chậm chạp. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc thì các bạn cũng khiến nhiều sếp thất vọng. Các phàn nàn rằng gen Y "vô tư đến mức vô tâm". Họ nghĩ nhiều về bản thân và coi trọng điều họ thích hơn là nhu cầu chung của tổ chức hoặc những tâm sức thầm lặng mà sếp họ đã bỏ ra. Không phải ngẫu nhiên mà gen Y cũng có tên là “ME generation”, ám chỉ sự cách nghĩ hướng về bản thân, do vậy trong làm việc nhóm, các bạn cạnh tranh cao và khó hợp tác. Tính kỷ luật không cao.
“Nhóm quản lý cấp trung (thường là gen X) hay phàn nàn gen Y khó hiểu, khó chiều, khó quản lý trong khi các bạn gen Y cũng hay than thở rằng sếp họ khó tính, khó chịu, khó gần. Bộ phận nhân sự chúng tôi ở giữa hay phải nghe nhiều câu chuyện trái chiều nên luôn cần nỗ lực gấp đôi để có cái nhìn khách quan nhất. Khi gen Y không hài lòng, các bạn cũng hay thể hiện thái độ bất bình qua mạng xã hội, điều này ngoài việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty còn vô hình trung tạo ra văn hóa "Chia rẽ, kết bè kéo cánh" trong tổ chức”, bà Hồng Nhung nói.
Các đại diện này cho rằng, dù là thế hệ nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng, do đó các doanh nghiệp cần cởi mở trong môi trường làm việc, tổ chức các chương trình như tổ chức nhiều câu lạc bộ thể thao, âm nhạc…để gắn kết các thế hệ và thu hút các bạn trẻ gen Y .
Hồng Phúc / baodautu