Khác với mức đỉnh năm 2011 là 3,3 triệu chiếc xe, tổng sản lượng xe máy của 5 doanh nghiệp FDI cả năm 2015 chỉ là 2,8 triệu xe.
Ảnh minh họa.
Người tiêu dùng Việt Nam đã rất quen thuộc với các chương trình triển lãm xe ôtô, thì nay họ lại có dịp thưởng thức một “món ăn mới” dành riêng cho xe môtô. Ðó chính là sự kiện Vietnam Motor Show 2016 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào tuần đầu tháng 4 vừa qua, với sự góp mặt của những “ông lớn” FDI trong ngành như Honda, Yamaha, Suzuki, SYM hay Piaggio.
Lễ hội xe môtô lần này được xem là bước đi cụ thể tiếp theo động thái thành lập Hiệp hội xe 2 bánh Việt Nam (VAMM) 2 năm về trước. Dù vậy, ngành hàng xe máy tại thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây dường như đã đạt đến điểm bão hòa. Khác với mức đỉnh năm 2011 là 3,3 triệu chiếc xe, tổng sản lượng của 5 doanh nghiệp FDI cả năm 2015 chỉ là 2,8 triệu xe. Trong số này, Yamaha sản xuất khoảng 720.000 xe, SYM sản xuất 160.000 chiếc, còn Suzuki chỉ sản xuất khoảng 23.000 xe.
Ðáng chú ý, cả SYM và Suzuki đều giảm gần 30% sản lượng so với năm 2014. Theo đại diện Suzuki Việt Nam, lý do thị phần giảm là vì năm ngoái, hãng này lỗi hẹn đưa ra dòng xe phù hợp với thị trường. Hơn nữa, Suzuki trong năm qua cũng tạm ngừng bán một số dòng xe.
Sự bão hòa được cho là lý do chủ yếu khiến thị trường chững lại. Giá bình quân một chiếc xe là khoảng 1.000 USD, trong khi thu nhập bình quân đầu người mỗi năm ở Việt Nam cũng chỉ khoảng 1.500 USD. Vì thế, khi mỗi người đã sở hữu một chiếc xe, sẽ mất thời gian khá lâu để họ chấp nhận chi tiền mua xe mới.
Tuy nhiên, trái với lo ngại về khả năng hấp thụ của thị trường, Vietnam Motor Show 2016 vẫn diễn ra với nhiều sắc màu, cho thấy các hãng sản xuất đang tin tưởng vào thị trường Việt Nam. Chiến lược mới của họ sẽ là chú trọng nhiều hơn vào dòng xe tay ga. Đại diện SYM, Suzuki và Yamaha khi trao đổi với NCĐT đều cho biết sẽ tập trung vào phân khúc này.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến khả năng mua xe là thu nhập. Theo đại diện SYM, hiện đang có xu hướng chuyển dịch sang xe tay ga khi thu nhập bình quân tăng lên. Trước đây, các hãng tiêu thụ lượng lớn xe số. Nhưng khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng có khả năng mua theo sở thích. “Người tiêu dùng muốn những sản phẩm đặc biệt”, ông Lu Tien Fu, Tổng Giám đốc SYM Việt Nam, cho biết. Do vậy, SYM đang cố gắng nâng tỉ trọng xe tay ga trong sản lượng bán ra, vốn mới chiếm 20%.
Còn với Yamaha, cơ cấu xe tay ga hiện chiếm khoảng 45%, nhưng dòng xe tay ga có xu hướng tăng lên khoảng 2 điểm phần trăm tỉ trọng mỗi năm. Vài năm trở lại đây, hãng này cũng rất mạnh tay chi tiền quảng cáo các dòng xe tay ga mới. “Phân khúc dòng xe tay ga vẫn còn tiềm năng để phát triển. Mục tiêu của chúng tôi là chị em nữ giới”, ông Shozo Ono, Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam, nói.
Thực tế, các hãng xe cũng rất tích cực giới thiệu xe tay ga nhiều hơn. Năm ngoái, Yamaha giới thiệu dòng tay xe ga phổ thông lẫn cao cấp để lấp đầy phân khúc. Ðầu tháng 2 vừa qua, Suzuki cũng giới thiệu một dòng xe tay ga mới. Ông lớn trong phân khúc xe tay ga cao cấp là Piaggio cũng liên tục làm mới sản phẩm và tăng cường hoạt động quảng bá.
Nếu như xe tay ga dành cho số đông ưa thích sự tiện lợi, thì phân khúc xe côn tay cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Ở Việt Nam, xe côn tay dáng phổ thông chiếm lĩnh thị trường phải kể đến Exciter của Yamaha và Axelo của Suzuki. Tuy nhiên, tại Vietnam Motor Show năm nay, Honda đã giới thiệu dòng xe côn tay mới mang tên Winner, đối thủ trực tiếp của Exciter. Động thái này cho thấy Honda nay đã chú ý đến nhu cầu của giới trẻ nhiều hơn, thay vì những mẫu xe mang tính già cỗi như trước đây.
Một điểm đáng chú ý khác là tại sự kiện lần này, hầu như hãng nào cũng có những sản phẩm đại diện cho dòng xe côn tay, kể cả Piaggio vốn được biết đến với xe tay ga. Làn gió xe côn tay tuy không mới, nhưng thị trường vẫn đón nhận khá nhiệt tình.
Hồi năm ngoái, cả Honda lẫn Yamaha đều chính thức nhập khẩu nguyên chiếc dòng xe côn tay phân khối nhỏ về Việt Nam. Dù vậy, trong số 3 ông lớn sản xuất xe máy nổi tiếng tại Việt Nam, có thế mạnh về xe côn tay vẫn là Suzuki. Cách đây 3 năm, hãng này đã bắt đầu nhập khẩu linh kiện về lắp ráp dòng xe môtô 150 phân khối. Họ cũng có trung tâm trưng bày nhiều loại xe côn tay phân khối lớn bắt mắt. Năm nay, dòng xe côn tay đang tiếp tục được Suzuki tập trung đẩy mạnh.
Nhu cầu xe côn tay xuất hiện cũng đã thu hút các hãng sản xuất mới tham gia vào thị trường. Ngoài hãng xe Kawasaki (Nhật) mới mở đại lý chính thức ở Việt Nam, còn có Benelli (trước là hãng xe Ý, nay đã được doanh nghiệp Trung Quốc mua lại) vừa chính thức “tham chiến”.
Trước đây, Benelli kinh doanh tại Việt Nam thông qua một đại lý phân phối độc quyền. Nhưng vào tháng 10 năm ngoái, hãng này đã tự nhúng tay vào thị trường Việt Nam khi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ xe côn tay trở nên hấp dẫn.
“Thị trường xe gắn máy hầu như đã đầy, nhu cầu không nhiều. Còn các dòng xe môtô là thị trường mới”, ông Jacky Chen, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Benelli, cho biết. Hiện nay, Benelli có 4 nhà máy ở Ý, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Hãng cũng đang cân nhắc việc mở nhà máy lắp ráp ở Việt Nam.
Dù sôi động là vậy, vẫn còn không ít sự nghi ngại với dòng xe côn tay. Theo ông Shozo Ono, Yamaha Việt Nam, phân khúc này vẫn còn khá nhỏ. Còn ông Thành, SYM, lại lo ngại vấn đề hạ tầng giao thông sẽ cản trở sự phát triển của xe côn tay, vốn tập trung ở dòng sản phẩm phân khối lớn. “SYM cũng nhập về các dòng xe môtô, nhưng chỉ để thăm dò thị trường”, ông nói.
(Theo Nhịp cầu Đầu tư)