Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.
Số liệu được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra tại Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)” tại TP.HCM sáng 25/9, .
Theo VASEP, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm năm 2019 với 251 triệu USD.
Một số doanh nghiệp cho hay, sau khi bị EU cảnh báo bằng thẻ vàng, các lô hàng hải sản từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này chịu quy trình kiểm tra gắt gao và tốn thời gian hơn trước rất nhiều.
Sau 2 năm bị EU rút thẻ vàng, hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này giảm mạnh
Đại diện Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) cho biết, hiện mỗi lô hàng hải sản xuất khẩu vào EU mất từ 7-10 ngày, thậm chí lên đến 20 ngày. Việc chậm thông quan khiến doanh nghiệp chịu thêm khá nhiều chi phí về bến bãi, bảo quản…. Thống kê cho thấy, có những lô hàng xuất khẩu chi phí tăng lên 15-20% khiến doanh nghiệp hết lãi, hoặc lỗ.
Các đối tác nhập khẩu tại EU cũng tỏ ra ngại mua hàng từ Việt Nam vì e ngại những rắc rối không đánh có. Nhiều nhà nhập khẩu lớn đã giảm dần đơn hàng và chuyển đơn hàng sang các nước khác.
Ông Ngô Viết Hoài, Phó Giám đốc Công ty XNK Thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu (BASEFOOD) cho hay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn từ việc không làm được giấy tờ cho nguồn hàng. Hiện tại, BASEFOOD đã ngưng hoàn toàn các đơn hàng xuất khẩu sang EU vì không tìm được giải pháp.
Theo dự báo từ VASEP, không chỉ hải sản xuất khẩu mà thủy sản xuất sang thị trường EU từ nay đến cuối năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU cả năm 2019 sẽ đạt khoảng 1,35 tỉ USD, giảm 8% so với năm trước.
Trong đó xuất khẩu cá ngừ giảm 5%, mực và bạch tuộc giảm 13%, tôm giảm 17%. Riêng xuất khẩu một số mặt hàng hải sản như cá biển và hải sản khác vẫn tăng 11% nên kim ngạch xuất khẩu hải sản vẫn duy trì tương đương năm vừa qua, đạt gần 390 triệu USD.
Sau khi nhận thẻ vàng, VASEP cho biết, các doanh nghiệp đặt mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng và sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP kiêm Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP cho rằng, mục tiêu trước mắt của VASEP và cộng đồng DN đó là tháo gỡ thẻ vàng, phát triển bền vững ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam.
Các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã rất tích cực với các hoạt động của chương trình: đồng loạt treo biển Cam kết chống khai thác IUU, thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp, tuân thủ các quy định của Mỹ, EU và Việt Nam chống khai thác IUU, tham gia các chương trình hội thảo, tập huấn, tuyên truyền và truyền thông về chống khai thác IUU.
Theo Quốc Thái / pno