Chứng kiến Vingroup hay FPT đang thu được khoản lợi nhuận lớn từ giáo dục, tập đoàn TH của “Người đàn bà sữa” Thái Hương cũng không muốn là kẻ đứng ngoài cuộc chơi “trồng người”, khi nhu cầu tìm kiếm những trường học chất lượng cao ngày càng tăng cao.
Lễ khai giảng tại trường TH School diễn ra ngày 5/9/2016
Ngày 5/9 vừa qua, khi hàng triệu học sinh trên cả nước bước vào ngày khai giảng, cũng là ngày sự xuất hiện của một thương hiệu hoàn toàn mới trong lĩnh vực giáo dục: TH School.
Bước đi mới
Nằm trên một diện tích rộng 18.000 m² trên phố Chùa Bộc, ngôi trường TH School khang trang đã đánh dầu bước đi đầu tiên của Tâp đoàn TH – thường được gắn liền với thương hiệu sữa TH true Milk – trong lĩnh vực giáo dục.
Theo thông báo của tập đoàn TH, TH School đào tạo liên thông từ hai tuổi cho đến hết bậc phổ thông trung học, và được vận hành theo mô hình “hoàn toàn khác biệt”. Sự khác biệt đó được yâp đoàn TH miêu tả trong thông báo là “sự kết hợp tinh hoa nền giáo dục VN và sự kế thừa một nền giáo dục văn minh của thế giới, cùng một chế độ dinh dưỡng học đường hoàn hảo.”
“Suy nghĩ của tôi rất đơn giản, tôi muốn các con tôi được phát triển toàn diện, được học trong ngôi trường có kiến trúc đẹp với chương trình tiêu chuẩn quốc tế. Đó sẽ là nơi đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ để khi con tôi lớn lên có thể tự hào về ngôi trường này,” bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, người sáng lập ra TH School, chia sẻ. Bà Hương cũng tin tưởng TH School sẽ đủ điều kiện để trang bị cho thế hệ trẻ đủ kiến thức và kỹ năng để “vươn ra biển lớn”, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Ông Martin Skelton, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục kiêm nhà đồng sáng lập Cty Fieldwork Education chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các trường học có trụ sở tại Anh, nhận xét rằng, TH School đã đi tiên phong trong việc áp dụng các chương trình quốc tế đã áp dụng thành công ở hầu hết các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới, mà vẫn tạo ra bản sắc riêng là sự kết hợp nhuần nhuyễn với văn hóa dân tộc.
3 tỷ USD là số tiền hàng năm mà người Việt phải bỏ ra để đưa con em đi du học nước ngoài. |
Khoản đầu tư lợi nhuận?
Cũng như những lần nói về dự án đầu tư sữa, với TH School, bà Thái Hương luôn khôn khéo không đề cập đến lợi nhuận và mục tiêu đầu tư. Nhưng với một DN, nói gì thì nói, đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì thì lợi nhuận vẫn được đặt lên hàng đầu. FPT, một tập đoàn nổi danh trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở VN, còn đầu tư vào giáo dục sớm hơn – khoảng 10 năm trước.
Trong khi Vinschool hiện có khoảng 13.000 học sinh thì FPT Education – Cty con trong lĩnh vực giáo dục của FPT – đã có hơn 17.000 học sinh và sinh viên (Tính tới cuối năm 2015). Vậy đến bây giờ TH mới đầu tư vào giáo dục có chậm chân?
Thực tế thì sự xuất hiện của TH School chỉ cho thấy sự nhạy bén trong kinh doanh của bà Thái Hương, khi bà đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực được cho là có nhiều tiềm năng trong khi nguồn cung các trường chất lượng cao thì lại không đủ đáp ứng nhu cầu. Hiện tại ngoài Vinschool hay FPT ra cũng chỉ có một số ít các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, như RMIT, KinderWorld hay VAS.
Nếu xét về bối cảnh thị trường thì cơ hội dành cho TH trong lĩnh vực này không hề hiếm. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình những năm gần đây người Việt bỏ ra hơn 3 tỷ USD để cho con em đi du học nước ngoài và được dự báo đang tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Chỉ cần một phần ba số tiền đó được sử dụng trong nước, thì đã mang lại nguồn thu lớn cho các trường học tư thục như Vinschool hay TH School.
Vững tin để mở rộng
Còn nếu xét về khả năng hay kinh nghiệm, có lẽ cũng sẽ ít người nghi ngờ. Còn nhớ khi tập đoàn TH bước chân vào ngành công nghiệp sữa, nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra rằng liệu một thương hiệu non trẻ như TH TrueMilk có tồn tại được trên thị trường dưới những cái bóng quá lớn của Vinamilk hay Nestle không? Nhưng chỉ 5 năm sau, TH TrueMilk đã chiếm khoảng một phần ba thị phần sữa nước sạch ở VN. Hơn nữa, thương hiệu sữa này mới đây còn đầu tư một tổ hợp trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tới 2 tỷ USD tại Nga. Cách mà bà Thái Hương gây dựng thành công trong ngành sữa là áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, và cho ra loại sữa có chất lượng tốt nhất.
Quan điểm kinh doanh đó của bà cũng đã được áp dụng trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực mà chất lượng và uy tín còn đòi hỏi khắt khe như chuyện an toàn thực phẩm, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới nhân cách con người.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, TH School đã mời ông Horace Vernall, người có hơn 10 năm đảm nhiệm cương vị lãnh đạo một trong những trường quốc tế kiểu Anh xuất sắc nhất ở Kuwait, về làm Tổng hiệu trưởng TH School từ năm 2015.
“Tôi rất hạnh phúc vì được góp phần mang đến những tiến bộ giáo dục mới nhất đến với TH School. Ngoài mục tiêu về kiến thức, chúng tôi mong muốn học sinh của mình có những trải nghiệm học tập thú vị để các em có nhiều cơ hội tích lũy kinh nghiệm cũng như trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng,” ông Vernall chia sẻ.
Hiện tập đoàn TH cũng đang xây dựng một cơ sở mới tại Hòa Lạc dành cho học sinh nội trú các bậc trung học cơ sở và phổ thông trung học. Và dự kiến cuối 2017, Tập đoàn TH tiếp tục xây dựng tổ hợp đại học, cao đẳng, và dạy nghề, theo phương châm trao đổi sinh viên với các trường hàng đầu thế giới về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên để nâng cao trình độ thực tiễn.
“Trong tương lai, TH School sẽ phát triển theo hướng nhân rộng mô hình này ở các tỉnh, các khu vực trọng điểm trong cả nước,” TH chia sẻ trong thông báo. Rất có thể trong thời gian tới, giáo dục sẽ là một con gà đẻ trứng vàng cho Tập đoàn TH, giống như dự án nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch.
Ngọc Linh / DĐDN