Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố cho thấy tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Samsung - một trong nhiều doanh nghiệp FDI thành công tại Việt Nam |
Đáng chú ý, đây không phải là khảo sát duy nhất về đối tượng doanh nghiệp này nhưng các chuyên gia ghi nhận, cuộc khảo sát này lớn và toàn diện nhất từ trước tới nay với 1.584 doanh nghiệp đến từ 43 nền kinh tế đang hoạt động tại 14 tỉnh , thành phố của Việt Nam.
Cũng như các điều tra trước đây, doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hướng ra xuất khẩu và có mức lãi tương đối khiêm tốn. Một đặc điểm đáng chú ý khác, doanh nghiệp này thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia và điều này dẫn đến việc thường nằm ở những vị trí thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp FDI có xu hướng gia tăng với việc có 11% doanh nghiệp cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 62% tuyển thêm lao động mới, tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. “Nhiệt kế” doanh nghiệp FDI cũng cho thấy gần một nửa doanh nghiệp FDI cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động.
Số liệu khảo sát cho thấy, có đến 65% doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có ít rủi ro hơn so với các địa điểm kinh doanh khác trên toàn cầu. Trong số nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc quốc gia đầu tư, có 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn quốc gia khác.
Tuy nhiên, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra rằng, Việt Nam hiện chưa tận dụng hết được những lợi ích từ các dòng vốn FDI. Chỉ dấu rõ ràng nhất là sự thâm hụt không nhỏ trong cán cân thanh toán. Một vấn đề đáng quan tâm nữa, mặc dù đã có những thay đổi theo hướng ngày càng có thêm các doanh nghiệp FDI ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân trong nước trong 2 năm trở lại đây nhưng sự kết nối kinh doanh này vẫn chưa được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao, không thấy rõ hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao - lĩnh vực từng được các nhà làm chính sách trong nước kỳ vọng về sự tiến bộ của các doanh nghiệp trong nước.
Các chuyên gia khuyến nghị, để tăng hiệu ứng lan tỏa, Việt Nam cần quan tâm cải thiện chất lượng đào tạo nhằm nâng cao năng lực của người lao động. Bên cạnh đó, tăng khả năng hấp thụ vốn đầu tư bởi nếu không các chính sách ưu đãi thuế hay hỗ trợ khác khó có thể mang lại hiệu quả như mong muốn.
Việt Nam cũng cần lưu ý đến một quan ngại khác của các nhà đầu tư đó là rủi ro từ việc thay đổi cơ chế, chính sách. Điều này có thể khiến lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp FDI bị giảm sút. Những quan ngại này đến từ “gánh nặng” của quy định liên quan đến quá trình vận hành doanh nghiệp cũng như các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý. Khoảng 70% số lượng doanh nghiệp FDI cho biết họ phải bỏ ra trên 5% quỹ thời gian trong năm để giải quyết thủ tục hành chính. Đáng chú ý, vấn đề này có xu hướng tăng từ năm 2014 trở lại đây.
Việt Nam cần quan tâm cải thiện chất lượng đào tạo nhằm nâng cao năng lực của người lao động. Bên cạnh đó, tăng khả năng hấp thụ vốn đầu tư bởi nếu không các chính sách ưu đãi thuế hay hỗ trợ khác khó có thể mang lại hiệu quả như mong muốn. |