Hiện tại, người Việt chỉ còn trông chờ vào tuyến cáp biển SEA-ME-WE 3, cũng như các tuyến cáp đất liền nối với Campuchia, Lào và Trung Quốc. Giả sử, nếu một trong những tuyến cáp còn lại gặp phải sự cố, viễn cảnh người Việt đón Tết Đinh Dậu không Internet nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Gần đây, liên tiếp các sự cố liên quan tới mạng Internet đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam.
Truy cập mạng chậm, kết nối tới các website nước ngoài như Google, Facebook không ổn định, email nhấn gửi... nhưng không được là những gì người dùng mạng kêu ca, phàn nàn.
Mà một trong những nguyên nhân khiến mạng Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng nặng tới vậy là do cùng lúc có tới 3 đường cáp quang biển "huyết mạch" gặp sự cố.
Cụ thể, tuyến cáp quang biển APG vừa đưa vào sử dụng tháng 12/2016 bị 2 sự cố đồng thời ngày 31/12/2016 (tại Singapore và Chongming - Trung Quốc) dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore. Dự kiến ngày 23/1 sẽ khắc phục xong.
Tuyến AAG cũng gặp sự cố tương tự vào ngày 8/1/2017 dẫn tới mất lưu lượng từ Việt Nam Hong Kong, Singapore và Mỹ. Dự kiến ngày 28/1 sẽ sửa chữa xong.
Cùng lúc, tuyến cáp IA bị lỗi tại nhánh đi Hồng Kông vào ngày 10/1/2017. Ngay trong ngày đã cấu hình lại nguồn nên đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vào 16 giờ 15 ngày 11/1/2017 lại phát hiện tiếp lỗi rò rỉ nguồn tại nhánh đi Singapore. Hiện chưa có thông báo từ Ban Quản lý tuyến cáp về lịch trình sửa chữa. Viettel là doanh nghiệp duy nhất tham gia khai thác tuyến cáp quang này tại Việt Nam.
Thêm một đường cáp quang biển nữa đứt, người Việt có thể phải đón Tết Đinh Dậu không kết nối Internet quốc tế
Việt Nam hiện có 4 tuyến cáp quang biển đi quốc tế:
Đang gặp sự cố: Tuyến cáp quang biển APG – Asia Pacific Gateway
Cáp quang biển APG hay còn gọi là Asia Pacific Gateway (APG) là một hệ thống cáp quang ngầm kết nối Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Bắc, Thái Lan, Việt Nam và Singapore. Tuyến cáp quang được thiết kế dài khoảng 10.400 km. Lưu lượng đáp ứng được 54,8 Terabit/s. Đây là tuyến cáp được xây dựng bởi tập đoàn APG bao gồm Facebook, và 11 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu trong khu vực.
Đang gặp sự cố: Tuyến cáp quang biển AAG – Asia American Gateway
Tuyến cáp quang biển AAG được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009 có tổng chiều dài 20.000 km và tổng lưu lượng lên đến 2 Terabit/s có tổng vốn đầu tư 560 triệu USD. Tuyến AAG kết nối các điểm tại Malaysia, Singapore, Thái Lan, Bruney, Việt Nam, Philippinnes, Hồng Kông, Mỹ, Hawaii Mỹ... Tuyến AAG cập bờ Việt Nam tại Vũng Tàu, nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Đang gặp sự cố: Tuyến cáp quang biển IA – Intra Asia
Tuyến cáp quang biển Liên Á - IA được chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2009, có tổng chiều dài 6.800km, nối liền Việt Nam, Singapore, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản. Tuyến cáp quang này có mức đầu tư ban đầu 200 triệu USD và được thiết kế với lưu lượng toàn tuyến đạt 320 Gb/s.
Chưa gặp sự cố: Tuyến Cáp quang Biển SEA-ME-WE3 (SMW-3)
Tuyến cáp quang SEA-ME-WE 3 hay còn gọi là tuyến cáp quang Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu 3 là một hệ thống cáp quang ngầm viễn thông kết nối những khu vực và là dài nhất trên thế giới, hoàn thành vào cuối năm 2000, có lưu lượng 320 Gb/s. Hệ thống này được xây dựng bởi France Telecom và China Telecom, và được quản lý bởi SingTel, một nhà điều hành mạng viễn thông thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore.
Như vậy, người Việt chỉ còn trông chờ vào tuyến cáp biển SEA-ME-WE 3, cũng như một số các tuyến cáp đất liền nối với Campuchia, Lào và Trung Quốc. Nếu một trong những tuyến cáp còn lại gặp phải sự cố, viễn cảnh người Việt đón Tết Đinh Dậu mà không thể vào nổi các trang web quốc tế là hoàn toàn có thể xảy ra.
Huyền My
Theo Trí Thức Trẻ