Ảnh minh họa
Năm 2018 là giai đoạn quan trọng nhất để duy trì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đây là năm Việt Nam phải giảm thuế về 0% trong các nước ASEAN.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, sau 20 năm kể từ khi đề ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng như một loạt liên doanh ô tô được cấp phép thành lập, Việt Nam vẫn chưa thể có được một ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa.
Chi phí sản xuất cao, thị trường nhỏ, phân tán, tỷ lệ nội địa hóa thấp... là những đặc điểm dễ nhận thấy của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Dự báo đến năm 2020, thu nhập bình quân người Việt có thể đạt trên 3.000 USD, nhu cầu thị trường có thể đạt gần 400 nghìn xe, tăng gấp đôi so với năm 2010.
Trong khi đó, đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về 0% có thể đe dọa đối với ngành sản xuất ô tô Việt Nam khi các hãng xe nước ngoài “ồ ạt” tràn vào. Để hiểu rõ hơn về những nguy cơ, thách thức đối với ngành ô tô Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn - Đại diện Toyota Việt Nam.
Thưa ông, để chuẩn bị cho hội nhập, Toyota Việt Nam gặp những khó khăn gì và chiến lược của Công ty trong thời gian tới ra sao?
Ông Phạm Anh Tuấn: Thị trường ô tô Việt Nam vẫn tương đối nhỏ, trong khi ngành ô tô hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh. Khi mở cửa thị trường, chúng ta sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt với các nước đi trước trong ngành ô tô như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Do vậy, trước khi thị trường đủ lớn, chúng ta cần tăng cường sản xuất có hiệu quả, mở rộng quy mô thị trường nhằm làm giảm áp lực cạnh tranh.
Đối với Toyota Việt Nam, chúng tôi vẫn mong muốn tiếp tục duy trì sản xuất tại Việt Nam. Sau này khi thị trường đủ lớn chúng ta có đủ sức để cạnh tranh với các nước khác.
Ông có thể cho biết thêm về thách thức đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới?
Thách thức lớn nhất vẫn là chi phí sản xuất ở Việt Nam cao hơn 20% so với các nước trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia... Họ đi trước chúng ta rất nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Thị trường chúng ta rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 5-10%. Quy mô thị trường Việt Nam mới khoảng hơn 200 nghìn xe, trong khi Thái Lan là hơn 2 triệu xe.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cao khiến cho giá xe tại Việt Nam cao. Nếu không cắt giảm chi phí sản xuất có nguy cơ xe nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam.
Là Đại diện của một doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô thời gian qua?
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành ô tô, mới đây Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động trong hợp tác Việt – Nhật để phát triển ngành công nghiệp ô tô, 1 trong 6 ngành mũi nhọn trong hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tìm cách duy trì phát triển ngành công nghiệp ô tô, một ngành đóng vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp, hiện đại hóa. Bởi về lâu dài, dung lượng thị trường xe máy sẽ giảm xuống và người dân chuyển sang dùng ô tô.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chờ đợi Chính phủ ban hành những chính sách cụ thể và đi vào thực tiễn để tạo môi trường thông thoáng nhất cho doanh nghiệp và ngành ô tô phát triển.
Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô gây khó khăn cho các doanh nghiệp thành viên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhiều nước đánh thuế TTĐB hay còn gọi là thuế đánh vào hàng xa xỉ vì không muốn gia tăng quá nhiều mặt hàng tiêu dùng cá nhân này. Tuy nhiên, để tăng cường phát triển sản xuất cần mở rộng thị trường, do vậy kiểm soát tiêu dùng nên ở mức hợp lý.
Chúng tôi cho rằng việc giảm ở mức độ như thế nào, giảm những dòng xe nào cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Giảm làm sao để tăng được sản xuất, chứ giảm mà làm cho nhập khẩu nhanh quá sẽ không có lợi cho sản xuất.
Ông có kiến nghị gì đối với chính sách của Chính phủ nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là trước bối cảnh hội nhập?
Năm 2018 là giai đoạn quan trọng nhất để duy trì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đây là năm Việt Nam phải giảm thuế về 0% trong các nước ASEAN. Do vậy, trước khi nói đến phát triển, chúng ta phải duy trì những gì đã có. Nếu không, đến năm 2018 khi thị trường chuyển hết sang nhập khẩu, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ chết.
Do vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần có những chính sách và bước đi phù hợp để hỗ trợ sản xuất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
(Theo Thảo Anh - Trí thức trẻ)