“Ảm đạm" là diễn biến chung của nhiều ngành kinh tế hiện nay, trong đó có bất động sản. Khônh ít doanh nghiệp phải vội vã lên kế hoạch mới thay cho các phương án đã được xây dựng cho năm 2020.
Liên tiếp sóng gió, bất động sản gặp khó vì corona
“Ảm đạm" là diễn biến chung của nhiều ngành kinh tế hiện nay, trong đó có bất động sản. Trước diễn biến tình hình dịch Corona, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phải tăng tốc để chuẩn bị cho loạt kế hoạch mới, ứng phó với bối cảnh mới.
Nói với Dân trí, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ cho biết, cuối năm 2019 doanh nghiệp đã xây dựng phương án kế hoạch đến hết 2020. “Nhưng đùng một cái ra Tết dịch corona bùng phát, mọi kế hoạch của chúng tôi phải thay đổi", ông Toản chia sẻ.
Hình minh hoạ.
Vị chủ doanh nghiệp này cho biết, năm 2019 thị trường khó khăn vì nguồn cung khan hiếm. Sang năm 2020, các doanh nghiệp kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc hơn nhưng với những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, ông Toản lo ngại bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn.
“Tôi cho rằng phải đến giữa hoặc cuối năm 2021, kinh tế phát triển ổn định, thị trường bất động sản sau thời gian trầm lắng sẽ “nở hoa”, ông Toản nhận định.
Một trong những khó khăn hiện nay với doanh nghiệp môi giới, đó là tâm lý e ngại đến chỗ nơi đông người của khách hàng. “Nhiều khách hàng quan tâm trong năm nhưng ra Tết thì cũng chỉ trao đổi qua điện thoại, nói chưa muốn gặp. Chắc phải khi dịch bắt đầu được kiểm soát, người dân bớt tâm lý lo ngại, thị trường mới giao dịch bình thường trở lại được. Bởi nhà ở là nhu cầu thiết yếu, giai đoạn này nén cầu thì sau đó sẽ bung ra", ông Toản nói.
Đứng trước khó khăn mang tính chất bất khả kháng này, ông Toản cho rằng các doanh nghiệp khác nên chủ động thay đổi kế hoạch kinh doanh cho phù hợp, cắt giảm chi phí không cần thiết, điều chỉnh lại tiến độ các dự án. Ví dụ như dự định ra mắt sản phẩm mới ngay trong quý này thì có thể điều chỉnh lại tiến độ, nghe ngóng tình hình.
Một số công ty khác dù đã khai trương từ mùng 6 Tết nhưng đến thời điểm này vẫn cho nhân viên nghỉ thêm vì lí do dịch bệnh. Cũng không ít sự kiện dự định tổ chức ngay sau Tết đã phải dời lịch vì dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land (TP.HCM) cho biết, tâm lý khách hàng trong thời điểm này sẽ e ngại đám đông và hạn chế tiếp xúc người lạ nên các doanh nghiệp chỉ còn cách chủ động thay đổi phương pháp tiếp cận và bán hàng.
Bất động sản du lịch hứng đòn đau
Tuy nhiên, phân khúc nhà ở vẫn được cho rằng ít ảnh hưởng hơn rất nhiều so với bất động sản nghỉ dưỡng. Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển sẽ chịu tác động tiêu cực từ đại dịch corona, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất…
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cũng cho biết, lượng khách Trung Quốc giảm, từ đó khiến mục tiêu năm 2020 của ngành du lịch trở nên khó đạt được.
“Lợi thế của ngành bất động sản nghỉ dưỡng là tiềm năng du lịch của Việt Nam và tốc độ gia tăng khách du lịch đều đặn qua các năm. Nhưng giờ dịch bệnh thế này, thị trường sẽ gặp khó”, ông Đính nhận định.
Theo vị chuyên gia này, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua đã có tâm lý e ngại khi nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, không đáp ứng được cam kết lãi suất với khách hàng. Cùng với những lo ngại liên quan các vấn đề pháp lý của condotel khiến thị trường càng khó.
“Khi gặp phải cú sốc dịch bệnh, năm nay sẽ là năm tiếp tục khó khăn đối với phân khúc này”, ông Đính nhấn mạnh.
Không chỉ du lịch, bất động sản công nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam rất nhiều, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thay đổi kế hoạch.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khu vực miền Nam cho rằng, dịch bệnh corona ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, sau biến cố này, nhiều khả năng thị trường bất động sản sẽ có cơ hội lớn để thu hút tốt dòng vốn FDI. Khi dòng tiền đổ vào Việt Nam nhiều thì tốt cho cả nền kinh tế, và bất động sản sẽ không ngoại lệ.
Còn nếu trường hợp dịch diễn biến phức tạp và không kiểm soát được thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nền kinh tế chứ không riêng gì bất động sản.
Theo Nguyễn Mạnh / dantri.com.vn