Bánh kẹo là mặt hàng không thể thiếu trong những ngày Tết nên các doanh nghiệp (DN) đã tăng cường sản xuất đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo có tiếng tại TP.HCM cho rằng, năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán chỉ cách nhau một tháng, hơn nữa, thời gian nghỉ Tết đến 7 ngày nên nhu cầu mua sắm sẽ tăng đột biến sau Tết Dương lịch.
Đánh giá thị trường sẽ tăng trưởng mạnh nên các công ty như Bibica, Hải Hà đều tăng sản lượng từ 5 - 10% so với năm trước. Tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp trong nước là thị trường tăng trưởng mạnh so với dự kiến.
Doanh nghiệp sẵn sàng
Ông Phan Văn Thiện - Phó tổng giám đốc Công ty CP Bibica cho biết, sau một tháng tung hàng ra thị trường, doanh số đã tăng gấp đôi so với kế hoạch, đặc biệt, phân khúc bánh cao cấp đã tăng gấp 3 lần. Trước thực tế này, Bibica đẩy mạnh sản xuất dòng bánh cao cấp lên 50% (năm 2015, dòng bánh cao cấp chỉ chiếm 40%) trong tổng lượng hàng bán ra dịp Tết.
Theo ông Thiện, Tết là cơ hội kinh doanh có một không hai nên từ giữa năm, Công ty đã lên kế hoạch sản xuất cùng chiến lược chinh phục thị trường. Cùng với thị trường nông thôn với các dòng bánh phổ thông, Bibica đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới với chất lượng cao mà theo vị phó tổng giám đốc này thì "ngon hơn một số bánh cao cấp nhập từ nước ngoài nhưng giá thấp hơn từ 20 - 30%".
Theo đại diện của Bibica, sau hơn một tháng ra mắt, các sản phẩm Tết của Công ty đã có mặt tại 500 cửa hàng và 12.000 điểm bán nhưng vẫn tiếp tục mở thêm điểm bán nhằm đưa sản phẩm nhanh nhất đến tay người tiêu dùng.
Cũng nhận định thị trường sẽ tăng trưởng tốt trong mùa Tết này nên Công ty TNHH Liên doanh Topcake với thế mạnh về bánh cookies, bánh trứng, bánh cupcake đưa ra thị trường 50 - 60 sản phẩm mới phục vụ Tết, gấp đôi so với năm ngoái.
Mondelez Kinh Đô đưa ra thị trường đến 40 loại bánh, giá từ 40.000 - 194.000đ/sản phẩm. Năm nay, lần đầu tiên Mondelez Kinh Đô giới thiệu những bộ quà Tết theo từng nhóm (quà Tết đặc biệt, quà Tết truyền thống, Cosy Tết) và giỏ quà Tết.
Ông Vũ Quốc Tuấn - Phó tổng giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Công ty Mondelez Kinh Đô cho biết, Công ty chú trọng đầu tư cho trưng bày, kinh doanh sản phẩm nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm Tết và biếu tặng của người tiêu dùng.
Đặc biệt, năm nay, từ ngày 14/12/2016 - 25/1/2017, Công ty còn triển khai bán hàng Tết tại các chợ, các khu công nghiệp với nhiều hoạt động như múa lân, thần tài chúc tết, tặng bao lì xì. Tại các siêu thị, Mondelez Kinh Đô cũng đẩy mạnh việc trưng bày và tổ chức nhân viên tư vấn sản phẩm cho người tiêu dùng.
Tự tin trước hàng ngoại
Theo Business Monitor International (BMI), năm 2014, quy mô thị trường bánh kẹo Việt Nam đạt 27.000 tỷ đồng và có thể chạm mốc 40.000 tỷ đồng vào năm 2018. Thị trường tiềm năng này hấp dẫn nhiều doanh nghiệp bánh kẹo đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
Vài năm trở lại đây, ngành bánh kẹo trong nước phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập. Tại các siêu thị Big C, Lotte, Aeon, sự hiện diện của bánh kẹo nhập khẩu là không ít. Đặc biệt, tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, bánh kẹo trong nước bị cạnh tranh gay gắt bởi bánh kẹo Thái Lan, Trung Quốc, và thậm chí là hàng Việt giả ngoại.
Tuy nhiên, để cạnh tranh với hàng ngoại, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư sản xuất, nâng cấp chất lượng sản phẩm song song với việc tăng tốc mở rộng hệ thống phân phối.
Ông Thiện cho rằng: "Hàng nội có chất lượng, mẫu mã không thua gì hàng ngoại nhưng giá thấp hơn nên chúng tôi tự tin cạnh tranh trực diện với hàng nước ngoài".
Còn theo đại diện của Topcake, trước đây người tiêu dùng chuộng bánh nhập khẩu vì cho rằng chất lượng tốt. Vì vậy, nếu bánh nội có chất lượng cao sẽ không gặp khó khi tiếp cận khách hàng. Năm nay, với sự chuẩn khá kỹ, Topcare hy vọng sẽ tăng gấp đôi lượng bánh tiêu thụ so với năm ngoái.
Minh Hào (DNSG)