Trong “Công bố chiến lược tháng 3”, ngày 8/3, nhìn nhận về tác động của Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã cảnh báo: Lãi suất cho vay trung và dài hạn nhiều khả năng được điều chỉnh tăng khi các ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng nhằm tăng cơ cấu vốn dài hạn.
Ảnh minh họa.
“Những tác động về phía cung (cho vay chủ đầu tư) sẽ ở mức thấp hơn do vòng đời của các dự án bất động sản (BĐS) thường kéo dài 3-4 năm. Trong thời gian đó, chủ đầu tư sẽ bán hàng theo tiến độ nên dòng vốn sẽ được quay vòng sớm hơn. Phía ngân hàng khi giải ngân tại một số thời điểm cũng có thể tạo sự linh hoạt bằng cách cho vay theo dòng vốn lưu động với thời hạn dưới 1 năm, sau đó gia hạn để tránh bị ảnh hưởng bởi điều khoản này”, BVSC nhấn mạnh.
Còn với việc kinh doanh BĐS xếp vào nhóm có hệ số rủi ro cao nhất, 250%, thay vì 150% như trước, BVSC khẳng định sẽ tác động nhiều hơn đến phía cung trên thị trường do các nhà đầu tư phát triển dự án BĐS sẽ chịu sự sàng lọc cao hơn khi các tổ chức tín dụng buộc phải áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn với các khoản vay trong ngành kinh doanh này.
Hiện, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống cuối tháng 12/2015 chỉ ở mức 31%. Do vậy tác động chung trên diện rộng sẽ không ở mức quá tiêu cực. Tuy nhiên, không ít các ngân hàng có quy mô vốn vừa và nhỏ đang có tỷ lệ này ở mức khá cao (xấp xỉ 60%). Do vậy, nếu điểm sửa đổi này được thông qua sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến nhóm ngân hàng này.
Dự kiến thời điểm Thông tư này được thông qua là 1/1/2017.
(Theo Báo Tiền Phong)