9 tháng qua, tại Hà Nội có khoảng 10.550 giao dịch thành công (giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước) còn tại TP.HCM có khoảng 11.320 giao dịch thành công (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước).
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản năm 2016 và 9 tháng năm 2017 tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố giá cả ổn định, thanh khoản tăng, cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở được điều chỉnh hợp lý hơn, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường...
Cụ thể, về thanh khoản, trong 9 tháng qua, tại Hà Nội có khoảng 10.550 giao dịch thành công (giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước), còn tại TP.HCM có khoảng 11.320 giao dịch thành công (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước).
Về tồn kho, tính đến 20/9/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 26.294 tỷ đồng, giảm 4.279 tỷ đồng so với tháng 12/2016 (tương đương giảm 15,24%).
Về cơ cấu hàng hóa, hiện cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ.
Theo Bộ Xây dựng, cùng với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của thị trường bất động sản, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản từng bước hình thành theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Nhiều doanh nghiệp đã định hình và từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trong từng lĩnh vực hoạt động, loại hình, phân khúc sản phẩm bất động sản. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang phát triển các dự án nhà ở xã hội, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị.
Điển hình như Becamex IDC thực hiện dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương với quy mô 64.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu mét vuông sàn, đến nay đã hoàn thành 10.000 căn; IDICO triển khai dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai quy mô 3.500 căn, đến nay đã hoàn thành 1.510 căn; Tổng công ty Viglacera triển khai dự án khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá, Hà Nội với quy mô 3.163 căn; Công ty Địa ốc Hoàng Quân đã và đang triển khai 15 dự án nhà ở xã hội tại các các tỉnh, thành phố khu vực phía nam…
Vẫn theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù giữ được sự ổn định song thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, tốc độ giảm tồn kho những tháng gần đây có chậm lại do phần lớn các dự án tồn kho nằm ở xa trung tâm, hạ tầng chưa có nên rất khó bán được hàng.
Nguồn cung nhà ở cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu rất nhiều so với yêu cầu; việc triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở vẫn còn chậm.
Bên cạnh đó, thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như người dân khi tham gia thị trường. Thêm vào đó, đã có dấu hiệu về đầu cơ, làm sai lệch thông tin thông qua khâu phân phối.
Ngoài ra, công tác phát triển nhà ở xã hội tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên theo lý giải của Bộ Xây dựng, là do nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; việc huy động nguồn vốn cho thị trường bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thiếu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, từ trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn cho vay trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi cho nhà ở xã hội...
Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng kiến nghị, các cấp có thẩm quyền sớm xem xét bố trí đủ kế hoạch vốn trung hạn để cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, phải kiểm soát chặt chẽ khi quyết định hoặc chấp thuận đầu tư các dự án căn hộ trung, cao cấp. Khuyến khích các dự án căn hộ diện tích nhỏ, giá trung bình để tránh xảy ra tình trạng lệch pha cung - cầu dễ gây bất ổn cho thị trường.
Vạn Xuân / BizLIVE