Thị trường bia cuối năm đang nhộn nhịp với sự tham gia của những thương hiệu lớn đến từ nước ngoài cùng với sự "lấn sân" của Masan. Liệu sự gia nhập của những thương hiệu này có khiến cho thị trường phân chia lại?
Ảnh minh họa.
Masan vào cuộc
Ngày 26/12, Masan Consumer Holdings - công ty con chuyên kinh doanh thực phẩm và đồ uống của Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan) khánh thành nhà máy bia Masan Brewery HG tại Hậu Giang, công suất 100 triệu lít/năm với vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.
Nhà máy này giúp Masan tăng công suất sản xuất bia từ 50 triệu lít/năm hiện nay lên 200 triệu lít/năm trong tương lai gần.
Ông Nguyễn Thiều Nam - Chủ tịch Masan Brewery HG kiêm Tổng giám đốc Masan cho biết, sự kiện này là cột mốc quan trọng của doanh nghiệp (DN) trong việc chinh phục mục tiêu trở thành nhãn hiệu bia Việt Nam được người Việt ưa thích.
Trước đó, ngày 25/12, Masan đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Singha Asia Holding Pte. Ltd (Singha) của Thái Lan. Theo đó, Singha sẽ đầu tư 1,1 tỷ USD để sở hữu 25% cổ phần tại Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần tại Masan Brewery.
Với sự đầu tư của Singha, Masan sẽ phát triển mạnh ngành hàng này và mở rộng thị trường ở tầm khu vực, mà cụ thể là các nước Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào với khoảng 250 triệu người dùng.
Không phải đến bây giờ Masan mới đầu tư vào ngành bia mà đã tham gia vào lĩnh vực này từ cuối năm 2013 bằng việc thâu tóm Công ty Bia và Nước giải khát Phú Yên (PYBECO). Ngay khi mua lại PYBECO, Masan đã dồn sức quảng bá cho bia Sư tử Trắng và đã có thành công nhất định.
Không chỉ phổ biến ở các tỉnh Tây Nam Bộ, Sư tử Trắng tăng trưởng nhanh ở khu vực Đông Nam Bộ từ tháng 8/2015. Theo ước tính của Masan, doanh thu ngành hàng bia năm 2016 của Công ty sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2015.
Thị trường dịp cuối năm đã chứng kiến sự tăng tốc của nhiều thương hiệu bia nước ngoài. Trong đó, Sapporo đã "mua đứt" phần vốn góp của Việt Nam trong liên doanh Sapporo Việt Nam (SVL).
Ngay sau khi sở hữu hoàn toàn SVL, Sapporo đã thay đổi nhận diện bao bì sản phẩm và mở rộng mạng lưới phân phối.
Vào tháng 5/2015, Công ty Anheuser - Busch Inbec (AB InBev), hãng bia đến từ Mỹ cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất có công suất 50 triệu lít/năm tại Bình Dương.
Theo kế hoạch của AB InBev, công suất nhà máy sẽ tăng lên 100 triệu lít/năm trong thời gian tới. Sản phẩm của nhà máy này sẽ phục vụ thị trường Việt Nam và một phần cho xuất khẩu sang Ấn Độ, Lào, Campuchia và Philippines.
Chia lại thị trường?
Vì sao thị trường bia lại thu hút các nhà đầu tư ngoại đến thế? Theo thống kê của Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2014, tổng sản lượng bia tiêu thụ trên cả nước ước đạt 3,14 tỷ lít, tăng 8,1% so với năm 2013 và năm 2015, có thể đạt khoảng 3,3 tỷ lít.
Cũng theo VBA, Việt Nam hiện xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á tiêu thụ bia, rượu lớn nhất, sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA, cho rằng, dù thị trường bia trong nước có mức tăng trưởng thấp hơn những năm trước nhưng mức tiêu thụ sản phẩm này vẫn tăng khoảng 6 - 7%/năm. Do vậy, Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng mà các hãng bia ngoại hướng đến.
Theo khảo sát của Sapporo, trong 10 năm tới, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp 2 - 3 lần so với hiện nay. Đây là yếu tố quan trọng để Sapporo tăng cường đầu tư tại Việt Nam.
Đại diện của Sapporo tại Việt Nam cho biết, nhà máy tại Long An có công suất 40 triệu lít/năm sẽ được tăng lên 100 triệu lít/năm vào những năm tới và đến năm 2019 sẽ là 150 triệu lít/năm.
Tập đoàn này cũng đặt mục tiêu đưa doanh thu của Sapporo Việt Nam lên 50% doanh thu nước ngoài của Tập đoàn Sapporo tại Nhật Bản.
Liệu sự tham gia của Masan có chia lại thị trường? Theo chia sẻ của các chuyên gia, rất khó để Masan làm nên chuyện! Bởi thị trường đã có sự tham gia của nhiều thương hiệu mạnh và những DN này cũng liên tục tăng cường đầu tư từ thiết bị sản xuất cho đến hệ thống phân phối.
Đơn cử như Sapporo, sau khi trở thành công ty 100% vốn nước ngoài, đã lên kế hoạch chiếm lĩnh thị phần bia cao cấp bằng việc mở rộng hệ thống phân phối.
Hiện bia Sapporo Premium được bán tại khoảng 4.000 nhà hàng, cửa hiệu tại Việt Nam và dự kiến sẽ tăng lên 7.000 nhà hàng, cửa hiệu vào tháng 2/2016.
Trong khi đó, hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) đang tăng cường tỷ lệ nắm giữ tại nhà máy bia ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tương tự thế, Liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á (Halida) và Công ty Bia Hạ Long cũng đã lên kế hoạch tăng thêm 13% cổ phần lên 30% tại Tổng công ty CP Rượt - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Ông Ricardo Vasques - Tổng giám đốc BA InBev Việt Nam, cho biết, Công ty xây nhà máy tại Việt Nam dựa trên sức tiêu thụ bia Budweiser tăng trưởng tốt thời gian qua.
Ngay sau khi nhà máy khánh thành, cùng với việc xây dựng thương hiệu, bia Budweiser và bia Becks sản xuất tại nhà máy Bình Dương đã đẩy mạnh quảng bá. Hàng loạt chương trình quảng bá, khuyến mãi, thậm chí là tăng dung tích sản phẩm đã được DN này tổ chức rầm rộ.
Tại các nhà hàng, quán bia ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội..., chương trình "Uống có trách nhiệm", chương trình khuyến mãi, nhận diện thương hiệu được BA InBev Việt Nam triển khai mạnh mẽ. Bia Becks đã mời cầu thủ Công Vinh làm đại sứ thương hiệu, nhằm tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam.
(Theo MINH HÀO - Báo Doanh nhân Sài Gòn)