Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu (XK) cà phê nhân của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, sụt giảm cả về lượng và giá, thì XK cà phê hòa tan lại tăng trưởng ấn tượng và đang trở thành “điểm sáng” cho ngành cà phê.
Cà phê G7 chinh phục nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới |
Tăng trưởng nhanh
XK cà phê hòa tan Việt Nam đang có những bước tăng trưởng rất khả quan. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thị phần của cà phê hòa tan Việt Nam trên thị trường cà phê thế giới đã tăng mạnh trong 5 năm qua, từ 1,8% lên 9,1%.
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, hiện cà phê hòa tan của Việt Nam đã có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới. Năm 2015, lượng XK cà phê hòa tan Việt Nam đạt 67,5 ngàn tấn, tăng 25% so với năm 2014, gồm các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan…
Nhiều sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam được bạn hàng và thị trường thế giới ưa chuộng như G7 của Trung Nguyên đã được bán trong hệ thống Walmart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc. Vinacafe XK trên 2.000 tấn cà phê hòa tan/năm đến 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới…
Nguyên nhân khiến cà phê hòa tan Việt Nam gia tăng sức hấp dẫn trên thị trường thế giới bởi Việt Nam có lợi thế là nước XK cà phê Robusta lớn nhất thế giới - nguyên liệu dùng để làm cà phê hòa tan. Bên cạnh đó, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) rất chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này. Các công ty Nestlé, Trung Nguyên, Cà phê Ngon, Olam và Vinacafe, ngoài những cơ sở đã có còn đầu tư xây dựng thêm nhà máy mới.
Ông Ganesan Ampalavanar- Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam - chia sẻ, gần đây, đơn vị đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê hòa tan giá 80 triệu USD tại tỉnh Đồng Nai. Để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, công ty đã thu mua hơn 20% cà phê trong số khoảng 1,7 triệu tấn hạt cà phê thu hoạch tại Việt Nam mỗi năm.
Tạo đà phát triển
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2012 đến nay, tổng vốn đầu tư vào ngành sản xuất công nghiệp chế biến cà phê khoảng 1 tỷ USD, giúp khối lượng cà phê XK dưới dạng cà phê hòa tan tăng nhanh. Cả nước hiện có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, với công suất 75.280 tấn sản phẩm/năm. Phần lớn sản lượng cà phê hòa tan Việt Nam được XK ra nước ngoài.
Hiện nay, cà phê hòa tan đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và dự báo sẽ còn tăng trưởng tốt trong nhiều năm tới. Do vậy, tiềm năng XK mặt hàng này của Việt Nam là rất lớn nhờ sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào. Bên cạnh đó, cà phê hòa tan cũng đang được ưa chuộng tại thị trường nội địa do dễ sử dụng, tiện lợi, phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) - cho biết, cà phê hòa tan đã được Bộ NN&PTNT định hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Mục tiêu đến năm 2020, có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê phục vụ trực tiếp tiêu dùng; trong đó, sản lượng cà phê rang xay là 50.000 tấn/năm, cà phê hòa tan đạt 255.000 tấn/năm. Đến năm 2030, sản lượng cà phê hòa tan sẽ tăng lên 350.000 tấn/năm.
Đại diện Vicofa cho rằng, phát triển ngành công nghiệp chế biến và XK cà phê hòa tan sẽ tạo thêm nhiều giá trị gia tăng so với XK cà phê hạt. Hiện nay, lượng cà phê hòa tan XK mặc dù mới chỉ chiếm trên 3% tổng lượng XK cà phê, nhưng kim ngạch lại đạt khoảng 8% tổng kim ngạch XK.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 5 trong số những nước XK cà phê hòa tan lớn trên thế giới, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. |
Lan Anh - Quỳnh Nga
Báo Công Thương