Những kỳ vọng lâu nay của giới tài chính về thị trường chứng khoán (TTCK) có dấu hiệu dần được đáp ứng. Họ đang mong những chuyển biến diễn ra nhanh hơn.
Thay đổi ngân hàng thanh toán cho thị trường TPCP
Ngân hàng thanh toán cho thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) sẽ chuyển từ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sang Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào đầu năm 2017, theo quyết định phê duyệt đề án về việc này vừa được Bộ Tài chính và NHNN ban hành. Đầu tháng 7 tới, các bên liên quan (Bộ Tài chính, NHNN, Trung tâm Lưu ký, BIDV) sẽ có buổi làm việc với các thành viên thị trường để bắt đầu triển khai đề án, rà soát lại các văn bản pháp lý để sửa cho phù hợp, đặc biệt các đơn vị sẽ điều chỉnh về công nghệ để “tứ giác kết nối” (gồm NHNN, Trung tâm Lưu ký, sở giao dịch chứng khoán, tổ chức tài chính - ngân hàng) có thể vận hành trơn tru sau ngày chuyển địa chỉ thanh toán.
“Chính phủ phải có sự điều chỉnh và sắp xếp lại kênh thanh toán này bởi theo thông lệ quốc tế, ngân hàng trung ương với tư cách người cho vay cuối cùng trên thị trường tiền tệ mới là đơn vị thích hợp để đảm trách phần việc này”, một nguồn tin liên quan chia sẻ với TBKTSG.
Theo đó, thứ nhất, chỉ khi thực hiện việc thanh toán này, NHNN mới quản lý được các dòng tiền chu chuyển của TPCP trên cả hai thị trường đấu thầu trái phiếu sơ cấp và giao dịch trái phiếu thứ cấp. Trong quá trình đó họ cũng phát huy được vai trò quản lý nhà nước, liên kết chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa chặt hơn và từ đó có hành vi phù hợp hơn trên thị trường mở (OMO) hay thị trường chiết khấu, tái cấp vốn. Việc này giúp NHNN tăng cường sự kiểm soát với thị trường tiền tệ nói riêng và thị trường tài chính nói chung, đặc biệt khi thị trường có sự thiếu hụt thanh khoản.
Thứ hai, dưới góc nhìn của các thành viên khác trên thị trường tài chính, sự chuyển giao sẽ khiến họ cảm thấy công bằng, minh bạch và an toàn hơn. Khối lượng giao dịch của thị trường trái phiếu rất lớn, hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi ngày. Khi là ngân hàng quản lý thanh toán, BIDV được sử dụng số dư tiền trên tài khoản và được phí dịch vụ về thanh toán. Với phần lớn các ngân hàng thương mại khác tham gia thị trường, việc bị buộc thanh toán qua một ngân hàng khác khiến họ cảm thấy không công bằng.
Sẽ có sản phẩm mới
Sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán từ nay tới hết 2017 là thông điệp từ đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường.
Có hai nhóm sản phẩm mới đang được xây dựng và hy vọng sẽ gây hiệu ứng trên thị trường. “Nhóm thứ nhất là sản phẩm tài sản cơ cấu, như ETF (đã ra mắt), chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant - CW), chứng chỉ lưu lý toàn cầu (GDR), chứng chỉ lưu ký TPCP Việt Nam (GDN). Đây là những sản phẩm được thiết kế nhằm tạo thêm công cụ cho nhà đầu tư cũng như các nhà phát hành và các tổ chức trung gian đứng ra làm việc đó”, ông Sơn nói.
Nhóm thứ hai, theo ông Sơn, là những sản phẩm liên quan đến nhóm phái sinh. Đầu năm 2017, UBCKNN sẽ triển khai hai sản phẩm đơn giản nhất trong nhóm phái sinh là hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số (Index futures) và hợp đồng tương lai dựa trên TPCP (Bond futures). Đây là những sản phẩm có tính ổn định, người tham gia đầu tư chuyên nghiệp hơn và khả năng thao túng vào sản phẩm cơ sở ít hơn sản phẩm cổ phiếu đơn lẻ. Sau khi triển khai hai sản phẩm này, cơ quan vận hành thị trường sẽ tiến tới đưa ra những sản phẩm phức tạp hơn như quyền chọn dựa trên chỉ số - là công cụ đã phát triển trong các thị trường khu vực với giao dịch lớn. Vài ba năm tiếp theo sẽ có sản phẩm quyền chọn dựa trên cổ phiếu hoặc dựa trên các hợp đồng tương lai của trái phiếu.
Sản phẩm phái sinh là công cụ phòng vệ rủi ro, cũng là công cụ đầu cơ để gia tăng lợi ích. Để chuẩn bị cho việc này, Trung tâm Lưu ký đang phải xây dựng CPP (hệ thống bù trừ đối tác trung tâm) vì chỉ có CPP mới làm được thanh toán đối với phái sinh.
Ngoài ra, UBCKNN cũng song song phát triển các nghiệp vụ, công cụ mang hiệu ứng đòn bẩy, ví dụ cho phép giao dịch chứng khoán trong ngày, cho phép bán chứng khoán trên đường về, cho phép phát triển thêm các công cụ hỗ trợ thị trường như hệ thống vay và cho vay chứng khoán để hỗ trợ bù đắp các thiếu hụt trong thanh toán của nhà đầu tư. Vay để bán trái phiếu được hiểu như là bán khống có đảm bảo. Công cụ cho phép tổ chức vay TPCP bán lại đang rất có tiềm năng và đang được UBCKNN lấy ý kiến của thị trường, sau đó sẽ trình Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, những sản phẩm trên chủ yếu hướng đến phục vụ các nhà đầu tư tổ chức. Nó đòi hỏi vốn lớn, thời gian dài, lợi suất không cao, tính toán phức tạp nên nhà đầu tư cá nhân không ưu ái. Chính vì thế, một số công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đang nghiên cứu các sản phẩm chứng khoán hóa các khoản vay bất động sản thành công cụ nợ và đưa vào giao dịch trên thị trường. Đó là một trong những sản phẩm tháo gỡ ngòi nổ và cung cấp vốn cho bất động sản nếu thành công.
Theo các chuyên gia tài chính, ngoài một số chướng ngại về khung pháp lý chưa được các bộ, ngành liên quan phối hợp khai thông, có vẻ tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam vẫn thích sản phẩm đơn giản, có tính đầu cơ cao hơn là sản phẩm đầu tư, đồng thời có thể rút vốn sớm, nên sản phẩm tài chính càng hiện đại thì khả năng hấp thụ của thị trường càng chậm. Họ không hy vọng các sản phẩm mới lạ với Việt Nam nhưng không xa lạ với thị trường thế giới như “bond futures”, “index futures” khi đưa ra sẽ được thị trường hấp thụ ngay. Nhưng có còn hơn không. “Việt Nam cần thêm sự đào tạo và cần tạo ra không khí tài chính chuyên nghiệp hơn nữa, khi đó thị trường mới thẩm thấu dần dần những sản phẩm mới”, lãnh đạo một ngân hàng nhận xét.
Hồng Phúc / thesaigontimes.vn