Thị trường gạo xuất khẩu gặp phải khó khăn kép khi các thị trường truyền thống đang bế tắc và giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới vẫn liên tục giảm trong thời gian qua.
Xuất khẩu gạo gặp khó. Ảnh: Trung Chánh.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2016 ước đạt 3,37 triệu tấn, tương đương 1,51 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,6% về khối lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 450 đô la Mỹ/tấn, tăng nhẹ 4,95% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2016 với thị phần 36%. Song, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này chỉ đạt 1,04 triệu tấn và 476 triệu đô la Mỹ, giảm 21,6% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng cho thấy xu hướng giảm mạnh, gồm Phillipines (giảm 66,4%), Malaysia (giảm 54,4%), Singapore (giảm 36,3%) và Mỹ (giảm 37,6%).
Riêng Indonesia, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu khá cao. Bảy tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 353.000 tấn và 140,4 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 25,5 lần về khối lượng và gấp 26,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của thị trường này không bù đắp được sự sụt giảm kim ngạch nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống khác.
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chính dẫn tới việc xuất khẩu gạo giảm mạnh là do phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, chống buôn lậu gạo khiến việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.
Tại một buổi họp gần đây với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho hay Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chưa thể thực hiện được do chưa có một công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để khử trùng gạo trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc theo nghị định thư này.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, gạo Việt Nam đang mất dần thị phần cho các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia ở các thị trường có giá trị gia tăng khác.
Theo ông Năng, xuất khẩu gạo chất lượng cao đang thụt lùi, đặc biệt là tại các thị trường có rào cản kỹ thuật cao. Ví dụ như năm 2014, Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ được 70.000 tấn, so với xuất khẩu của Thái Lan sang thị trường này là 400.000 tấn, thì sang năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam qua thị trường này chỉ còn 44.000 tấn trong khi Thái Lan vượt 400.000 tấn. Đối với thị trường Nhật Bản, từ cuối năm 2013 thì Việt Nam không xuất khẩu được hạt gạo nào sang thị trường này.
Về thị trường EU, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này liên tục giảm trong những năm gần đây. Nếu như năm 2013 xuất được 24.000 tấn gạo thì năm 2014 còn 20.000 tấn và năm 2015 chỉ còn 18.000 tấn. “Xuất khẩu sang thị trường này sẽ còn giảm nữa”, ông Năng nhận định.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, có hiệu lực từ năm 2018, sẽ cho phép Việt Nam xuất khẩu 100.000 tấn gạo hàng năm sang EU hưởng thuế 0%, gấp 4 lần so với hạn ngạch hiện tại. Nhưng theo ông Năng, nếu gạo Việt Nam không đảm bảo được tiêu chuẩn mà phía EU đưa ra thì cũng khó có thể xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Ngoài Trung Quốc và những thị trường khó tính, theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, thị trường truyền thống của Việt Nam như Phillipines, Indonesia và Malaysia…, năm nay nhu cầu nhập khẩu gạo cũng không được như kỳ vọng.
Đối với thị trường châu Phi, Thái Lan có nguồn cung gạo từ phẩm cấp thấp tới cấp cao, hơn nữa chi phí vận chuyển lại rẻ hơn nên gạo Việt Nam cũng kém cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang châu Phi tiềm ẩn rủi ro nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn e ngại ở thị trường này.
Thị trường đầu ra cho hạt gạo đã bế tắc trong bối cảnh giá xuất khẩu gạo lại đang có xu hướng giảm. Theo hãng tin Reuters, giá gạo châu Á tiếp tục giảm trong tuần trước do nguồn cung dồi dào và nhu cầu quốc tế yếu.
Giá chào bán từ Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 tuần bất chấp đợt đấu thầu gạo sắp tới tại Philippines. Giá gạo tại Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, ba nước chiếm khoảng 60% nguồn cung gạo toàn cầu, đang trong khuynh hướng giảm giá, bắt đầu từ cuối tháng 7 do thiếu người mua, trong khi nguồn cung tăng.
Giá gạo tham chiếu 5% tấm giảm xuống còn 365-370 đô la Mỹ/tấn trong tuần trước, giá FOB, mức thấp nhất kể từ 9-3. Giá gạo Ấn 5% tấm giảm 3 đô la Mỹ/tấn trong tuần trước xuống còn 375-385 đô la Mỹ/tấn (FOB).
Giá gạo Việt 5% tấm giảm xuống còn 348-350 đô la Mỹ/tấn, FOB, từ mức 350-353 đô la Mỹ/tấn trong tuần trước đó. Giá gạo trong nước đang giảm, theo một số doanh nghiệp, là do khả năng thắng toàn bộ gói thầu xuất khẩu gạo đi Philippines khó xảy ra. Philippines có kế hoạch mua 250.000 tấn gạo trong đợt đấu giá ngày 31-8 và Thái Lan cho biết sẽ cạnh tranh với Việt Nam và Campuchia trong đợt đấu thầu này.
Giá lúa gạo giảm mạnh trước phiên mở thầu bán 250.000 tấn cho Philippines Thông tin Philippines sẽ mở thầu Chính phủ (G2G) tìm mua 250.000 tấn gạo vào ngày mai (31-8) từ một số thị trường, trong đó có Việt Nam được xem là tín hiệu tích cực trong việc tiêu thụ giá lúa gạo trong nước. Thế nhưng, giá lúa thị trường nội địa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại lao dốc mạnh. Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang), cho biết trong vòng một tuần trở lại đây, giá lúa gạo thị trường nội địa đã quay đầu giảm đến 300-400 đồng/kg. Cụ thể, tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang gạo nguyên liệu của giống IR 50404 hiện được các nhà kho mua vào với giá chỉ 6.100-6.300 đồng/kg (tùy chất lượng), giảm 300-400 đồng/kg so với mức giá cách nay một tuần. Tương tự, tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 cũng giảm 300-400 đồng và hiện được giao dịch quanh mức 6.000-6.100 đồng/kg. Còn lúa IR 50404 tươi tại ĐBSCL hiện có giá chỉ còn 4.100-4.200 đồng/kg so với mức cách nay một tuần là 4.400-4.500 đồng/kg. Lý giải nguyên nhân giá lúa gạo giảm mạnh, ông Phạm Thanh Thọ, Phó giám đốc ngành lương thực thuộc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng có ba nguyên nhân chính khiến giá lúa thị trường nội địa giảm như hiện nay. Thứ nhất, lượng thầu Philippines không như kỳ vọng, chỉ 250.000 tấn, trong khi hồi đầu năm dự đoán ít ra cũng đạt 500.000 đến 1 triệu tấn; rồi xác suất trúng trọn gói thầu 250.000 tấn cũng không cao, mà có thể như những kịch bản cũ là Việt Nam trúng 50% và Thái Lan 50%. “Như vậy, lượng gạo xuất qua Philippines quá ít so với lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp Việt Nam vốn đã được họ thu mua đầu cơ trước đó rồi”, ông Thọ cho biết. Thứ hai, xuất khẩu tiểu ngạch ở phía Bắc bị “tắt” và thứ ba, giá lúa trong nước một thời gian được doanh nghiệp mua vào và giữ ở mức cao, trong khi bây giờ gạo của Thái Lan, Pakistan đã xuống giá và Trung Quốc bắt đầu vụ thu hoạch, nên mức giá của doanh nghiệp Việt Nam chào vào Trung Quốc (chính ngạch) gần như không được chấp nhận. Cũng theo ông Thọ, vì đầu ra chưa thông nên chuyện giải ngân của ngân hàng cũng bắt đầu bị siết chặt lại, doanh nghiệp gặp khó khăn, không có tiền để quay vòng vốn và do vậy doanh nghiệp trong nước mua cầm chừng khiến giá lúa gạo giảm. Trung Chánh |
Trúc Diễm / thesaigontimes.vn