Thị trường hàng không Việt Nam đang chứng kiến “cuộc đua” giành thị phần khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không đã được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.
Nguồn cung đa dạng
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không hiện có sự tham gia khai thác của 5 hãng hàng không Việt Nam và hơn 70 hãng hàng không nước ngoài từ 24 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhiều đường bay mới được các hãng hàng không khai thác
Tại thị trường nội địa, nhóm Vietnam Airlines (Vietnam Airlines và Jetstar) đang chiếm 52,5% thị phần, Vietjet đang nắm 41,2%. Hãng hàng không mới tham gia thị trường từ tháng 1/2019 Bamboo Airways nắm 5,4% và Vasco chiếm 1,9%. Và sắp tới, thị trường hàng không sẽ chứng kiến sự gia nhập của các hãng hàng không mới đó là Vinpearl Air, Cánh Diều (Kite Air), hãng hàng không lữ hành Vietravel. Điều này cho thấy, sự cạnh tranh giữa các hãng bay nội địa đang hết sức gay gắt, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không đã được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.
Không chỉ chứng kiến sự gia nhập hãng bay mới, việc cung tải thị trường hàng không năm 2019 cũng tăng đáng kể. Tính đến tháng 9/2019, đội tàu bay cánh bằng của các hãng hàng không Việt Nam đạt 200 chiếc tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 8/2014 (102 chiếc).
Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải), việc đẩy mạnh khai thác các thị trường, tăng cường khai thác đường bay đã từng bước kích thích nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân, đa dạng hóa nguồn cung, gián tiếp tạo sự thay đổi lớn về tỷ trọng khai thác đến các cảng hàng không cũng như thị phần vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam.
Cánh cửa rộng mở
Mới đây, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ - CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng vừa được ban hành, đã giảm rất sâu tiêu chí vốn tối thiểu để thành lập và kinh doanh hàng không, sẽ mở rộng hơn cánh cửa cho các hãng hàng không mới.
Theo nghị định mới, mức vốn tối thiểu gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay để thành lập, duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hãng hàng không chia theo 3 mức 300 tỷ đồng, 600 tỷ đồng, 700 tỷ đồng tương ứng số tàu bay khai thác dưới 10, 11-30 và trên 30. Các con số này không phân biệt hãng hàng không khai thác đường bay quốc nội hay quốc tế.
Như vậy, với quy định này, hai hãng hàng không đang chờ cấp phép bay là Vietravel Airlines và Kite Air (Thiên Minh Group) đủ điều kiện về vốn để khai thác trên 30 tàu bay ngay khi hoạt động.
Tuy nhiên, Nghị định số 89 cũng giới hạn các nhà đầu tư ngoại, chỉ được chiếm không quá 34% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất; trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Lý giải về sự lựa chọn này, cơ quan soạn thảo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, tỷ lệ nắm giữ ở mức 34% là đủ để các hãng hàng không thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.
8 tháng đầu năm, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không đạt 53,3 triệu khách tăng 11,5%, trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 37,3% tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2018. |
Theo Thu Phương (Báo Công Thương Điện Tử)