Các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu được xem là thị trường xuất khẩu mới mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhắm đến. Nhưng làm thế nào để tiếp cận thị trường có quy mô 2.200 tỷ USD, với 183 triệu người tiêu dùng sẽ là bài toán cho không ít doanh nghiệp xuất khẩu.
Sẽ không phải là một thị trường quá xa với với doanh nghiệp theo nhìn nhận của các đại diện Đại sứ quán đến từ Liên minh Kinh tế Á – Âu (bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan).
Từ con số kim ngạch thương mại hai chiều hiện ở mức 4 tỷ USD, lên tới 10 – 12 tỷ USD đến năm 2020 là một con số được xem là khá tham vọng. Tuy nhiên, đại diện các cơ quan chức năng của cả Việt Nam và các nước thuộc Liên minh đều cho rằng, hoàn toàn có khả năng đạt được khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu ( EAEU ) chính thức có hiệu lực vào ngày 5/10 vừa qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết với Hiệp định này thì nhiều ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy hải sản, nông sản, linh phụ kiện… sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Thị trường trong tầm tay
Theo cam kết, Hiệp định sẽ giảm hoặc đưa về 0% gần như 90% mức thuế xuất hải quan nhập khẩu. Trong đó có 59% được giảm thuế ngay sau khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực và 30% được giảm thuế trong giai đoạn chuyển tiếp đối với khoảng 10.000 hàng hóa.
Từ trước đến nay, các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu không phải là thị trường xuất khẩu truyền thống cho các DN Việt Nam. Những rào cản về vị trí địa lý, rủi ro về thanh toán và những yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật được đặt ra cho các sản phẩm hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng thực phẩm, nông thủy sản… đã khiến cho không ít DN xuất khẩu Việt Nam nản lòng khi thâm nhập vào thị trường này.
Tuy nhiên, theo các Đại sứ quán các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu thì những rào cản này đang dần được dỡ bỏ khi FTA EAEU có hiệu lực. Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ca-dắc-xtan, vừa qua lãnh đạo một công ty đường sắt của nước này đã khảo sát ga Đồng Đăng và Tân Cảng và có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty đường sắt xem xét khả năng tổ chức vận chuyển hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam sang các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu và ngược lại bằng container thông qua các ga giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc quá cảnh địa phận Trung Quốc.
Hoặc có thể vận chuyển từ các cảng biển Việt Nam tới bến cảng Ca-dắc-xtan thuộc cảng biển Liên Vân Cảng (Trung Quốc), nơi 49% cổ phần cảng biển thuộc về công ty đường sắt Ca-dắc-xtan. Từ đó, sẽ vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới Ca-dắc-xtan và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Đối với những vướng mắt trong thủ tục hải quan, Đại sứ CH Belarus tại Việt Nam – ông Goshin V.A. cho biết một trong những mục đích chính của việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do là đơn giản hóa và tăng tốc độ thực hiện các thủ tục hải quan trong công tác xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm thiểu các chi phí tạm thời và giá thành trong thương mại song phương. Nghĩa là không chỉ giảm thiểu hay bãi bỏ thuế hải quan mà còn giảm tối đa các chi phí cho cán bộ kinh tế đối ngoại khi thực hiện công tác thông quan.
Các rào cản đang dần được gỡ
Đáng chú ý là những hàng hóa đã được xuất trước khi Hiệp định có hiệu lực và hiện đang trên đường vận chuyển hay nằm trong kho bãi cũng được hưởng các định mức mới theo Hiệp định, tức là những hàng hóa đó có thể được miễn hoàn toàn hay được giảm thuế hải quan một phần theo quy định.
Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam - ông Kharinov V. N. thì cho rằng những cam kết được đưa ra sẽ là lợi thế, giúp cho các Dn tiếp cận được người tiêu dùng cuối cùng. Trong khi DN Việt Nam có lợi thế về hàng nông sản như trái cây, các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, đồ da, thiết bị điện tử; thì DN thuộc Liên minh sẽ đưa các sản phẩm thịt sữa, lúa mỳ, bột mỳ, ngũ cốc, phân bón, dầu lửa và các sản phẩm từ dầu lửa, xe tải, lốp xe, thép, các loại đường ống, các sản phẩm ngành chế tạo máy vào Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, những rào cản xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á – Âu đang dần được tháo gỡ. Đơn cử như thời gian vận tải sang Nga mất khoảng 80 ngày nhưng hiện đã có chuyến hàng chỉ mất 20 ngày. Còn về hỗ trợ thanh toán, khi Hiệp định có hiệu lực thì cả hai nước đều có hỗ trợ thanh toán bằng đồng nội tệ, đều mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Với khó khăn về hàng rào kỹ thuật là rào cản lớn, song những nỗ lực của Chính phủ đã được cải thiện nhiều khi đặt vấn đề thẳng thắn về hàng rào, với lộ trình rõ ràng là thống nhất gỡ bỏ các hàng rào, tập trung cho hàng nông sản.
Theo N. An
Trí thức trẻ/CafeF