Chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.
Dư địa xuất khẩu của ngành gỗ sang thị trường Mỹ còn nhiều nhưng theo các doanh nghiệp, vẫn còn một số rào cản cho các sản phẩm thâm nhập và tìm kiếm thị phần tại đây.
Thị trường Mỹ chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu
Theo ước tính của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 4 vừa qua đạt 895 triệu đô la Mỹ, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường xứ cờ hoa ước đạt 3,3 tỉ đô la, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Với kết quả này, Vifores ước tính thị trường Mỹ chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp đồ gỗ, với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ.
Đáng chú ý, sản phẩm đồ gỗ từ Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ từ năm 2020 đã vượt qua Trung Quốc, đất nước nhiều năm liền giữ “ngôi vương” xuất qua thị trường Mỹ nhóm mặt hàng này.
Theo Furniture Today, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 7,4 tỉ đô la đồ nội thất gỗ sang Mỹ, tăng 31% so với năm 2019 và vượt qua Trung Quốc, đất nước ghi nhận 7,33 tỉ đô la giá trị xuất khẩu trong cùng năm. Mức xuất khẩu này của Trung Quốc giảm 25% so với năm 2019.
Dù khoảng cách chênh lệch không lớn nhưng vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu được khẳng định, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nội thất gỗ trong những năm gần đây.
Mỹ là thị trường tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất thế giới. Thị trường này còn rất nhiều dư địa cho sản phẩm từ gỗ và nội thất khi lĩnh vực xây dựng, nhà ở tại đây đang tăng trưởng tốt nhờ Chính phủ thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng sau dịch bệnh.
Theo woodworkingnetwork.com, bất chấp sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và các vấn đề về lao động, đồ nội thất là ngành tăng trưởng nhanh thứ hai trong số 15 ngành sản xuất hàng đầu được theo dõi bởi Viện Quản lý Cung ứng Mỹ.
Còn theo Trung tâm nghiên cứu công nghiệp Ý (CSIL), thị trường đồ nội thất thế giới đã phục hồi trở lại vào năm 2021, với mức tiêu thụ đồ nội thất cao hơn nhiều so với giá trị trước đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 và 2023. Trong đó, Mỹ là thị trường chính nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất trên thế giới với hơn 75% có nguồn gốc từ châu Á chủ yếu từ Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia.
Trong đó, lợi thế các sản phẩm nội thất của Việt Nam đang tăng, do Mỹ giảm tỷ trọng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc bởi ảnh hưởng căng thẳng thương mại giữa 2 quốc gia này trong những năm qua.
Các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ đang tiếp tục tìm kiếm đối tác có năng lực và đáng tin cậy, trong khi đó, Việt Nam có lợi thế tốt về lao động có tay nghề, nguồn nguyên liệu đảm bảo nhu cầu sản xuất ổn định, bền vững được nhiều thị trường công nhận, đánh giá cao.
Nhưng bị rào cản
Dư địa đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ vẫn còn rất lớn tại thị trường này, nên cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu là rất khả quan.
Mỹ là thị trường tiềm năng với ngành gỗ của Việt Nam, tuy nhiên doanh nghiệp ngành này đang gặp một số trở ngại khi xuất khẩu sang Mỹ, như giá gỗ nguyên liệu tăng cao.
Việc Nga hạn chế, cấm xuất khẩu khiến cho thị trường thiếu hụt về nguồn cung gỗ nguyên liệu, trong khi nhu cầu tiêu thụ về đồ gỗ tiếp tục gia tăng, đã đẩy giá gỗ nguyên liệu lên cao. Điều này tạo ra sự cạnh tranh mạnh về nguồn nguyên liệu trên thế giới. Do vậy, nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ các thị trường khác cũng sẽ đối mặt với khó khăn.
Hiện nay, nhiều nhà cung cấp đang chào gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá cao hơn nhiều so với trước. Gỗ nguyên liệu từ các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu khan hiếm, đẩy giá tăng cao.
Bên cạnh đó, biến động về giá cước vận tải trong 2 năm trở lại đây tác động rất lớn đến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới Mỹ. Hai năm trước, giá cước mỗi container 40 feet đi Mỹ khoảng 4.000 – 5.000 đô la Mỹ, hiện đã tăng 19.000 – 20.000 đô la.
Hiện tại, gần như 100% mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu bán giá FOB. Song, giá cước tăng cao, thị trường Việt Nam không chỉ mất tính cạnh tranh mà doanh nghiệp cũng không thu được lợi nhuận như mong muốn khi phía đối tác đề nghị giảm giá, chia sẻ rủi ro giá cước tăng phi mã.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng thêm biến động về giá cước vận tải khiến doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Chính vì vậy, mặc dù nhu cầu thị trường tăng, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ theo các doanh nghiệp là đang có xu hướng giảm tốc.