Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: TL.
Trong khi Mỹ, Nhật là hai thị trường tiêu thụ tôm thẻ chân trắng lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ tôm sú, phần lớn là tôm sú nguyên con dạng tươi và đông lạnh.
Ngày 30-11, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chính thức đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm cả năm nay là 3,1 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VASEP, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam với gần 24% tổng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng qua; mặt hàng có sức tiêu thụ lớn nhất là tôm thẻ chân trắng. Việt Nam đang đứng thứ tư về xuất khẩu tôm vào Mỹ trong năm nay.
Nhật Bản cũng yêu thích sản phẩm chế biến từ tôm thẻ chân trắng Việt Nam. Theo VASEP, cứ 100kg tôm xuất khẩu sang thị trường này, có 54kg là chế biến từ tôm thẻ chân trắng, 30kg là tôm sú, còn lại 16kg là mặt hàng tôm biển. VASEP dự báo, cả năm nay, giá trị xuất khẩu sang Nhật vào khoảng 601 triệu đô la Mỹ, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi, Mỹ, Nhật ưa chuộng tôm thẻ chân trắng thì thị trường Trung Quốc lại yêu thích sản phẩm tôm sú. Trong 10 tháng qua, Trung Quốc chiếm 58% tổng khối lượng tôm sú xuất khẩu của Việt Nam; cứ 100kg tôm sú xuất đi, sẽ có 58kg bán sang thị trường này. Lý do để Trung Quốc nhập khẩu mạnh tôm của nước ta là do ngành nuôi tôm nước này đang bị dịch bệnh, sản lượng nuôi trồng trong nước giảm, phải nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt.
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 10 tháng đầu năm nay, diện tích thả nuôi tôm sú của các tỉnh ĐBSCL là hơn 565.600 héc ta, sản lượng hơn 195.100 tấn, tăng 1,7% về diện tích nhưng lại giảm 4,4% về sản lượng. Còn diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là gần 65.300 héc ta, chỉ bằng 11,5% so với tôm sú nhưng sản lượng đạt gần 193.400 tấn, gần tương đương sản lượng thu hoạch của tôm sú.
Ngọc Hùng / TBKTSG