Tại thị trường Myanmar, phân khúc bình dân vẫn chiếm phần lớn, nhưng phân khúc tiêu dùng trung và cao cấp cũng đang có chiều hướng tăng từ khi Myanmar mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Đây chính là những cơ hội lớn để hàng Việt thâm nhập mạnh vào thị trường tiềm năng này.
Hàng Việt có nhiều cơ hội thâm nhập và phát triển tại thị trường Myanmar (Ảnh-Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar 2015)
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, người dân Myanmar ưu tiên mua sắm những mặt hàng sử dụng trong gia đình. Họ thường chú ý đến giá cả trước, ít chủ động tiếp cận sản phẩm nếu không được giới thiệu, mời chào. Khi có người chọn mua sản phẩm ưng ý thì mức độ lan truyền thông tin sản phẩm rất nhanh. Sản phẩm có khuyến mãi hoặc rút thăm trúng thưởng sẽ được người tiêu dùng Myanmar quan tâm nhiều hơn.
Bên cạnh đó, người dân Myanmar có cảm tình với hàng Việt Nam vì thế thị trường Myanmar còn dư địa cho hàng Việt Nam thâm nhập với những phân khúc khác nhau, đa dạng về nhu cầu; nhiều ngành hàng có tiềm năng cao như: thực phẩm, hàng tiêu dùng, nước giải khát, vật liệu xây dựng, hàng điện máy, sản phẩm phục vụ nông nghiệp... Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar đạt trên 378 triệu USD, Myanmar được xác định là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng Việt Nam.
Trong thời gian qua nhiều DN Việt Nam đã nỗ lực đưa sản phẩm, hàng hóa thâm nhập thị trường Myanmar với mục tiêu ngày càng mở rộng thị phần tại đây cũng như tính đến phương án mở văn phòng đại diện phân phối, đầu tư sản xuất tại chỗ.
Tại một số siêu thị ở Yangon và Mandalay, đã có những mặt hàng đồ dùng nhà bếp do DN từ Việt Nam xuất khẩu như nhãn hiệu Kangaroo có trên 10 loại sản phẩm, bộ nồi inox Happy Cook. Tập đoàn Kangaroo đã lập văn phòng đại diện tại Yangon để đảm bảo tiếp cận nhanh chóng thị trường này.
Hay với các DN ngành nhựa, ngoài đồ nhựa gia dụng là thế mạnh, đến nay các công ty Việt Nam còn xuất sang Myanmar các sản phẩm nhựa dùng trong nhà máy công nghiệp, xây dựng. Như Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn cung cấp thùng, rổ, pallet nhựa… dùng để chứa hàng nông sản và hàng thủy sản tới những khách hàng là các công ty sản xuất trong các khu công nghiệp. Công ty Nhựa Rạng Đông xuất khẩu tôn nhựa phục vụ xây dựng nhà xưởng.
Bên cạnh đó, Myanmar đang trên đà phát triển nên nhu cầu sử dụng điện cao, nhưng lưới điện quốc gia đang trong quá trình hoàn thiện, người dân đang cần dùng ổn áp để đảm bảo nguồn điện sinh hoạt gia đình được ổn định. Vì thế các sản phẩm dây - cáp điện, nẹp dây điện, ổ cắm, công tắc các loại, bóng đèn tiết kiệm điện, đèn led được chú ý nhiều. Các mặt hàng điện – điện tử của Điện Quang, Cadivi, Cáp Thịnh Phát, Lioa (nhãn hiệu Standa)… đang dần quen thuộc với người dân Myanmar. Đặc biệt, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang thâm nhập thị trường Myanmar từ năm 1999, là một trong những DN đầu tiên đưa hàng hóa sang Myanmar, đến nay đã có hệ thống bán lẻ trên khắp Myanmar.
Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm như cà phê, trà artisô, trà gừng, trà xanh, trà thảo dược, bánh kẹo, sữa... đang dần được ưa thích vì mới lạ. Cà phê G7 của Công ty Trung Nguyên, các loại trà của Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre đã thâm nhập thị trường Myanmar rất mạnh…
Để hàng Việt thâm nhập mạnh vào thị trường Myanmar, nhiều DN cho biết hàng hóa cần chú ý ghi rõ thông tin sản phẩm và giá bán bằng tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh để người mua dễ nhận biết. Từ phía các DN cần nắm rõ chính sách thuế, hải quan, chú trọng nghiên cứu văn hóa tiêu dùng để chọn cách tiếp cận đối tác phù hợp; cần lưu ý về vấn đề thanh toán vì hiện nay tại Myanmar chưa có chi nhánh ngân hàng thương mại nào của Việt Nam được cấp phép hoạt động… Ngoài ra, vấn đề thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Myanmar khá dài sẽ là một trở ngại buộc DN phải tính toán kỹ để đảm bảo thời gian giao hàng mà vẫn tiết kiệm chi phí vận chuyển…
Theo Thanh Thanh / baocongthuong.com.vn