Thua ở thị phần hạt nêm, doanh nghiệp (DN) nội tỏ ra có ưu thế hơn ở thị phần nước chấm, tương ớt và phân khúc này đang được chiếm lĩnh bởi các tên tuổi lớn của Việt Nam như Masan Consumer và Cholimex Food... Các DN nhỏ hơn buộc phải tìm những thị trường ngách để tồn tại.
Doanh nghiệp lớn so kè
Theo Công ty Nielsen, gia vị được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là nước mắm, trung bình 73%, nước tương 71%... Trong đó, Masan Consumer thuộc Tập đoàn Masan, hiện chiếm thị phần lớn nhất, hơn 70% thị phần nước mắm, 71% thị phần nước tương và 43% thị phần tương ớt, tương cà; đứng vị trí thứ hai là Cholimex Food chiếm hơn 37% thị phần; Trung Thành 8%...
Theo báo cáo tài chính năm 2014 của Masan Group, thị trường tương ớt, tương cà đạt khoảng 847 tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng sản lượng là 11%/năm và 20% về giá trị.
Dự báo tốc độ tăng trưởng tương ớt còn tăng cao vì mở rộng nhu cầu sử dụng, không chỉ chấm mà còn là tẩm ướp thức ăn.
Khu vực nông thôn, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung, khối lượng tăng thêm 38%, trong đó lượng tiêu dùng trung bình mỗi hộ gia đình tăng 9% (theo kết quả khảo sát của Kantar World Panel năm 2013).
Lượng tương ớt cung ứng cho các cơ sở sản xuất cũng chiếm số lượng khá lớn.
Ở vị trí thứ hai, Cholimex Foods đang chứng minh sức hấp dẫn của thị trường khi ngành hàng tương ớt đóng góp doanh thu tốt. Những năm gần đây, Cholimex Foods đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân mỗi năm xuất xỉ 30%.
Nhãn hàng này cũng đang bám khá sát Masan Consumer với thị phần 37% (Masan là 43%). Bên cạnh đó, thị phần của Cholimex còn khá ổn định khi được các cửa hàng đồ ăn nhanh Pizza Hut Việt Nam chọn là nhà cung ứng tương ớt, tương cà cho hệ thống cửa hàng của họ.
Sau nhiều năm bị những tên tuổi lớn như Masan, Cholimex lấn át, cuối năm 2015, Saigon Co.op cũng đã bắt tay với Wilmar International Limited (Wilmar) thành lập liên doanh Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương, sản xuất các loại nước chấm, gia vị mang nhãn hiệu Nam Dương nhằm mục tiêu lấy lại vị thế thị trường cho nước chấm Nam Dương sau một thời gian dài rơi vào tay Masan và Cholimex.
Nếu như lợi thế của Masan là hiểu thị trường, biết cách làm PR, thương hiệu và hệ thống bán lẻ rộng lớn thì sự hợp tác giữa Saigon Co.op và Wilmar cũng kỳ vọng tổng hòa lợi thế của hai bên để nâng cao sức cạnh tranh và độ phủ của thương hiệu Nam Dương.
Ông Thái Kim Sơn - Giám đốc Khu vực Kinh doanh miền Nam Công ty Dầu Cái Lân, cho biết: "Wilmar có hệ thống phân phối ở nhiều nước nên cơ hội thị phần của Nam Dương sẽ rộng mở hơn, chưa kể hệ thống bán lẻ rộng khắp của Saigon Co.op cũng góp phần tiếp thị sản phẩm đến tay người tiêu dùng".
Doanh nghiệp nhỏ: Tìm thị trường ngách
Với kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp làm thị trường và phát triển sản phẩm hạt nêm, sauce và nước chấm cho Maggi và Knorr, ông Nguyễn Huỳnh Đạt - Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật, đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, nhà xưởng ra mắt thương hiệu gia vị Ông Bếp.
"Lường trước thị trường khó chen chân nên tôi định hướng đi vào thị trường ngách và muốn đi xa hơn vào bếp ăn thế giới chứ không chỉ bếp ăn Việt Nam", ông Đạt chia sẻ.
Hướng đi ngách của Ông Bếp là tập trung vào gia vị truyền thống, nghĩa là không sản xuất theo kiểu công nghiệp, ví dụ nước mắm làm bằng cá cơm theo phương pháp ủ chượp tự nhiên, sau đó chiết rót để giữ khẩu vị truyền thống.
Hay nước tương cũng được ủ từ đậu nành, sau đó chiết xuất tinh chất để tạo ra nước tương lên men tự nhiên, hạt tương dùng sản xuất dầu hào, các gia vị sauce, ướp truyền thống. Tuy nhiên, với cách sản xuất trên thì sản lượng không cao và chi phí sản xuất lớn, tốn kém nên Ông Bếp rất khó cạnh tranh.
Ông Đạt cho biết: "Muốn vào siêu thị thì chi phí chiết khấu thương mại cao, trên 25%, trong khi lợi nhuận sản xuất theo phương pháp này chỉ đạt khoảng 40%, sẽ không đủ chi phí vận hành cho sản xuất lâu dài".
Bên cạnh đó, tâm lý sính ngoại, cho rằng thương hiệu lớn mới tốt của người tiêu dùng vẫn là rào cản lớn nhất, khiến cho các DN "tân binh" hoặc DN nhỏ gia nhập "sân chơi" này gặp rất nhiều trở ngại, dù tâm huyết.
Vì vậy, các DN phải tìm lối đi ngách, như Ông Bếp đã phải chuyển hướng về bán ở các kênh nhà hàng, quán ăn, khách sạn và các tỉnh.
Ở thị trường ngách, ông Đạt cho biết, do các DN lớn ít tập trung cho phân khúc nông thôn, thu nhập thấp nên DN nhỏ có sản phẩm tốt vẫn còn đất sống. Thực tế, khi về thị trường "tỉnh lẻ”, Ông Bếp không gặp khó khăn do người dân thấy giá hợp lý, bao bì đẹp, ăn ngon, hợp khẩu vị là mua.
Một DN sản xuất nước tương cũng cho rằng: "Khó nhất của DN nhỏ là đầu ra. Muốn vào siêu thị thì chiết khấu thương mại cao, còn phân phối ở kênh cửa hàng, đại lý truyền thống thì bị "chiêu phá kênh" của các "ông lớn", nhất là các công ty nước ngoài, nghĩa là họ tăng phí trưng bày, đưa ra nhiều quyền lợi và hoa hồng hấp dẫn cho đại lý để DN nhỏ không còn địa điểm trưng bày đẹp, dẫn đến việc DN nội bị "phá kênh".
Cũng gặp khá nhiều khó khăn và chịu áp lực chiết khấu siêu thị quá cao nên thương hiệu nước mắm Khải Hoàn hiện đã rút khỏi hệ thống Aeon Mall. Không những khó cạnh tranh trong siêu thị mà trên thị trường, người tiêu dùng không mấy mặn mà với sản phẩm vì hàng của Công ty ít khuyến mãi.
Theo LỮ Ý NHI
DNSG