Thật, giả khó lường, giá cả không đi đôi với chất lượng, nhiều thông tin quảng cáo gây nhầm lẫn… là những thách thức mà người tiêu dùng phải đối mặt trước “trăm hoa đua nở” trên thị trường nước đóng chai.
Nước uống đóng chai nhiều loại tại hệ thống các siêu thị |
Từ lo ngại về chất lượng...
Tháng 9/2015, trong số 27 mẫu nước uống đóng chai, nước đá được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An kiểm tra, có tới 17 mẫu bị nhiễm khuẩn, trong đó có 14 mẫu nhiễm trực khuẩn mủ xanh- loại vi trùng có khả năng kháng thuốc cao, dễ làm nhiễm trùng đường ruột hoặc tấn công các vết thương gây nhiễm trùng máu…
Sau đó không lâu, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An lại phát hiện 37 cơ sở nước uống đóng chai, đá tinh khiết sử dụng phiếu thử nghiệm chất lượng nước giả mạo của Phòng thử nghiệm Vilas 236 thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An.
Trên đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai hiện nay. Bà Phạm Thị Sáng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp - thực phẩm (Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam) - khẳng định: Vi phạm đối với nước đóng chai hiện phức tạp cả về quy mô và mức độ. Cả nước hiện có hàng nghìn cơ sở sản xuất, hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai, nhưng số doanh nghiệp lớn với các sản phẩm có thương hiệu như: La Vie, Vital, Kim Bôi, Tiền Hải, Quang Hanh, Vĩnh Hảo, Aquafina, Dasani, Well… rất ít, số còn lại chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, không bảo đảm nguồn nguyên liệu nước đầu vào, cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật của quá trình chế biến, đóng chai.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng - các tiêu chuẩn, luật và quy chuẩn cho quá trình sản xuất nước uống đóng chai của nước ta khá đầy đủ. Tuy nhiên, hiện vẫn phổ biến tình trạng chỉ thực hiện đúng quy định trên giấy. “Trong một lần tôi cùng một số ban, ngành, kiểm tra một cơ sở nước uống đóng chai ở Hà Giang. Tất cả các thủ tục cần phải đăng ký, cơ sở này đều có đủ với những con dấu chứng nhận đỏ chót, ngay ngắn. Vậy nhưng khi kiểm tra thực tế, nhiều thiết bị lắp đặt không đúng kỹ thuật, chỉ làm lấy lệ” - ông Hùng nêu ví dụ.
Đến quảng cáo bừa bãi
Nước đóng chai ngày càng được sử dụng rộng rãi với 3 loại nhãn phổ biến là: Nước tinh khiết, nước khoáng, nước suối thiên nhiên. Đây đều là những loại nước có thể uống trực tiếp nhưng khác nhau cơ bản về thành phần khoáng chất, nguồn sản xuất và giá trị sử dụng. Tuy nhiên, việc quảng cáo hiện nay vẫn khá bừa bãi, “lập lờ đánh lận con đen”.
Bà Phạm Thị Sáng dẫn chứng: Nước khoáng là loại nước uống đặc biệt, cung cấp nhiều nguyên tố vi lượng có ích, yêu cầu phải được đóng chai tại nguồn. Vậy nhưng nhiều cơ sở đã bỏ qua nguyên tắc này. Hoặc không ít cơ sở sản xuất nước uống đóng chai thủ công nhưng lại quảng cáo là nước khoáng thiên nhiên, nước uống tinh khiết được sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất. Vô lý hơn nữa, có cơ sở còn quảng cáo “nước khoáng tinh khiết”, trong khi nước khoáng bao gồm nhiều thành phần khoáng chất nên không thể gọi là tinh khiết!
Thực tế, chỉ vài chục triệu đồng đã có thể mua được một dây chuyền sản xuất nước được quảng cáo là: Hoàn toàn tự động, siêu lọc, tiệt trùng bằng tia cực tím… Trong khi đó, mỗi chai nước 500ml được bán từ 3.000 - 5.000 đồng, mỗi bình nước 20 lít giá từ 15.000- 20.000 đồng, nên không khó hiểu vì sao các cơ sở sản xuất - kinh doanh nước đóng chai đua nhau mọc lên từ thành phố tới các vùng nông thôn, miền núi.
Có cơ sở quảng cáo “nước khoáng tinh khiết”, trong khi nước khoáng bao gồm nhiều thành phần khoáng chất nên không thể gọi là tinh khiết, rất vô lý! |