Thị trường ô tô năm 2016 được dự báo khó đạt được mức tăng trưởng như năm 2015 -Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Dù dự báo thị trường ô tô năm nay sẽ tiếp tục đà tăng so với kỷ lục tiêu thụ của năm ngoái là 245.000 xe, nhưng giới kinh doanh ô tô nhận định tăng trưởng năm 2016 khó đạt mức cao.
Tiêu thụ xe tải đang bão hòa
Có nhiều nguyên nhân để giới kinh doanh ô tô đưa ra nhận định như trên. Trước tiên là đối với dòng xe tải. Năm 2015, thị trường ô tô Việt Nam đã có sự bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt ở tại phân khúc xe tải, xe đầu kéo. Sự phục hồi của nền kinh tế cùng chính sách siết tải trọng của Bộ Giao thông - Vận tải đã khiến nhu cầu xe tải tăng đột biến trong năm qua.
Tuy nhiên, tình hình cho thấy nhu cầu mua xe tải trên thị trường đang có xu hướng bão hòa. Chỉ dấu chính là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xe tải đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, trên cả hai sàn niêm yết, hiện có ba doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, lắp ráp xe ô tô tải gồm Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS), Công ty cổ phần Ô tô TMT (TMT) và Công ty cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL). Mặc dù doanh số toàn ngành ô tô vẫn liên tiếp ghi nhận những con số kỷ lục trong năm 2015, nhưng sự tăng trưởng này đã chững lại ở phân khúc xe tải ở những tháng cuối năm.
Thống kê cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tải đã tạo đỉnh vào quý 2-2015 và đi xuống trong 2 quý cuối năm 2015. Cụ thể, doanh thu quý 4-2015 của Trường Long đã sụt giảm 18% so với mức đỉnh được ghi nhận trong quý 2 và cùng thời gian này Hoàng Huy và TMT cũng có mức sụt giảm lên tới 50%.
Trong báo cáo triển vọng năm 2016 mới được công bố, Công ty Chứng khoán BSC nhận định ngành ô tô nói chung vẫn được đánh giá khả quan, tuy nhiên tăng trưởng tiêu thụ trong phân khúc xe tải sẽ có sự chững lại đáng kể.
Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô như Ford Việt Nam cũng nhận định, quy định siết tải trọng là yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng nóng của nhóm ô tô tải vào cuối năm 2014 và trong năm 2015, tuy nhiên điều này khó có thể lặp lại trong năm 2016 khi chênh lệch cung cầu vận tải sẽ dần đi vào mức cân bằng.
Xe nhập khẩu bị chặn đà tăng trưởng
Dòng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vốn có chiều hướng tiêu thụ tăng mạnh trong hai năm gần đây thì đang có chiều hướng tiêu thụ chậm lại do chính sách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới áp dụng từ đầu năm nay đã đẩy giá xe nhập khẩu tăng cao. Điều này theo giới kinh doanh sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang mua xe lắp ráp trong nước hoặc có tâm lý chờ đợi xem tình hình giá ô tô thế nào để quyết định mua xe với giá tốt nhất.
Nhu cầu xe tải đang bão hòa, khó thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng đột biến như năm 2015 -Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Cụ thể, mặc dù trong tháng 1-2016, tháng đầu tiên áp dụng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới với xe nhập khẩu nguyên chiếc, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tiêu thụ lại bị sụt giảm mạnh cho dù một số hãng xe chưa điều chính giá bán theo cách tính thuế mới.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tiêu thụ trong tháng qua đều giảm so với tháng trước đó. Tuy nhiên, mức tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng qua giảm mạnh đến 45% so với tháng trước đó, trong khi xe lắp ráp trong nước tiêu thụ chỉ giảm 7,5%.
Tình hình nhập khẩu ô tô tháng qua cũng giảm mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 1 rồi ước đạt 7.000 xe với tổng giá trị khoảng 175 triệu đô la Mỹ, giảm một nửa về lượng và giảm đến 222 triệu đô la Mỹ về giá trị so với tháng trước đó. Đây là một kết quả khá khác thường so với mọi năm bởi tháng 1-2016 này là tháng cuối cùng của năm Âm lịch, nhiều người có nhu cầu mua sắm xe trước Tết.
Giới kinh doanh ô tô nhận định thị trường ô tô nhập khẩu năm nay sẽ gặp một khó khăn nữa, đó là khả năng từ tháng 7-2016, giá bán lẻ của nhiều loại ô tô có dung tích động cơ lớn còn có thể tăng thêm một lần nữa nếu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội thông qua. Bởi lẽ các dòng xe có dung tích xi-lanh lớn hiện nay chủ yếu là nhập khẩu nguyên chiếc về bán, trong khi với dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.500cm3 trở lên, phương án đưa ra của Bộ Tài chính trước đây là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng từ 10 đến 90 điểm phần trăm so với hiện hành. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ ô tô chung.
Xe lắp ráp trong nước sẽ tăng cao trở lại?
Chính sách cho thấy đang thúc đẩy tiêu thụ xe có dung tích xi lanh nhỏ mà phần lớn là xe lắp ráp trong nước - Ảnh minh họa: Quốc Hùng
So với xe nhập khẩu nguyên chiếc, trong năm 2015 mức tăng trưởng tiêu thụ của ô tô lắp ráp trong nước không bằng. Thế nhưng với những bất lợi về chính sách thuế đối với dòng xe nhập khẩu nói trên, giới phân tích đánh giá xe lắp ráp trong nước trong năm 2016 này sẽ có nhiều lợi thế hơn để lấy lại đà tăng trưởng.
Một trong những lợi thế đó là xe lắp ráp trong nước không chịu ảnh hưởng bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới có thể đẩy giá xe tăng lên như xe nhập khẩu nguyên chiếc. Và quan trọng hơn, những dòng xe dưới 9 chỗ ngồi lắp ráp trong nước hiện nay chủ yếu là dòng xe phổ thông có động cơ từ 2.0 lít trở xuống.
Trong khi đó theo dự thảo của cơ quan thuế thì dòng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh nhỏ sẽ có lộ trình giảm thuế khá nhiều, giúp giá một số dòng ô tô giảm theo so với hiện tại.
Cụ thể trước đây Bộ Tài chính dự thảo về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trình Quốc hội có đề cập các loại ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 sẽ có mức thuế tiêu thụ đặc biệt giảm. Với dòng xe dung tích xi lanh từ 1.000cm3 trở xuống, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt là 40% từ 1-7-2016 giảm 5 điểm phần trăm so với hiện hành. Mức giảm 5 điểm phần trăm cũng được áp dụng với dòng xe có dung tích xi lanh trên 1.000cm3 đến 1.500cm3, và loại trên 1.500cm3 tới 2.000cm3.
Dù hiện nay chưa có quyết định chính thức, nhưng chủ trương của Chính phủ là sẽ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có dung tích xi lanh nhỏ, ít tiêu hao nhiên liệu và ít gây ô nhiễm môi trường. Do đó nếu Quốc hội thông qua thì khả năng xe có dung tích dưới 2.0 lít trở xuống sẽ được điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong khi đó, các liên doanh ô tô hiện nay - là nhà lắp ráp nhưng đồng thời cũng là nhà độc quyền nhập khẩu các thương hiệu tương ứng - sẽ không nhập các mẫu xe có tiềm năng cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước. Các dòng xe phổ thông với các thương hiệu Toyota, Ford, Honda, Isuzu, Mazda, Kia... đang bán chạy tại thị trường Việt Nam đều được lắp ráp trong nước bởi thuế nhập khẩu bộ linh kiện những dòng xe này chỉ khoảng từ 15-25%, thấp hơn đáng kể so với thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc hiện nay.
Như vậy rõ ràng chính sách thuế đối với ô tô lắp ráp trong nước vẫn còn có lợi cho các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, thúc đẩy xe lắp ráp trong nước tiêu thụ nhiều, bù đắp cho xe nhập khẩu giảm và xe tải dự báo bị bão hòa...
Tuy vậy, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, cho rằng dù có sự thay đổi về chính sách, song nhìn chung nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu mua xe vẫn cao. Do vậy, thị trường còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển.
Đại diện của Ford Việt Nam cũng nhận định thị trường ô tô trong năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng chỉ dừng lại mức tăng từ 10-20%, không tăng đột biến lên đến 55% như kết quả năm ngoái vì nhu cầu mua xe tải đang bão hòa sau một thời gian dài tăng trưởng nóng.
Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) cũng cho rằng năm 2016 thị trường ô tô cũng được dự báo chỉ tăng trưởng từ 5 đến 10% so với năm 2015. Mặc dù vậy, mục tiêu kinh doanh của Thaco trong năm nay là bán xấp xỉ 100.000 xe (năm 2015 Thaco bán được 80.421 xe, tăng 90% so với năm 2014).
Theo Quốc Hùng / TBKTSG