Thị trường ôtô Việt Nam (VN) trong vài năm gần đây đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, tuy nhiên, tỉ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp, công nghệ hỗ trợ chưa phát triển. Quy mô thị trường được đánh giá là nhỏ, giá xe giữ ở mức cao dù đã có chính sách giảm thuế nhập khẩu (NK). Các chuyên gia dự báo sau năm 2018, thị trường ôtô VN sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước ASEAN.
Tiềm năng lớn trong khối ASEAN
Thống kê cho thấy, hiện nay Việt Nam có trên 300 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô. Thực tế, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương - thị trường ôtô chịu sự chi phối của khoảng 20 doanh nghiệp lớn. Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, sản lượng và thị trường ôtô Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh, tuy nhiên đang nổi lên xu hướng NK xe nguyên chiếc thay thế xe lắp ráp trong nước.
Theo bà Thúy, thị trường sản xuất lắp ráp ôtô của VN còn tiềm năng lớn bởi quy mô và năng lực sản xuất vẫn còn nhỏ so với các nước ASEAN. Cả Việt Nam và Philippines hiện vẫn đang ở giai đoạn cơ giới hóa, nhu cầu sử dụng dưới 50 xe/1.000 dân. Trong khi đó, thị trường ôtô ở Thái Lan đã phát triển và bắt đầu bão hòa tại thị trường nội địa.
Dẫu vậy, bà Thúy đánh giá: “Thương mại phụ tùng, linh kiện (PTLK) của VN không lớn lắm so với thị trường các nước khu vực. Ví dụ: Thái Lan luôn thặng dư thương mại về xuất nhập khẩu (XNK) phụ tùng ôtô và là thị trường chính cung cấp PTLK cho các nước ASEAN. Indonesia có nhu cầu NK, lắp ráp trong nước lớn. Philippines lại chủ yếu XK chứ NK ít, số lượng doanh nghiệp “DN” lắp ráp không nhiều, nhu cầu sử dụng nguyên liệu NK cho lắp ráp không lớn”.
Thực tế cho thấy, dù ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Việt Nam chưa phát triển nhưng cán cân thương mại về XNK PTLK vẫn mang giá trị dương. Sau khi XK, các DN nước ngoài sẽ tiến hành lắp ráp rồi XK ngược trở lại VN. Hiện nay, XNK của VN chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… song chỉ có Nhật Bản là thành viên trong TPP.
Chưa tận dụng được hết ưu đãi
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, trước TPP, các nhà cung cấp FDI tại VN chủ yếu phụ thuôc vào thị trường trong nước với quy mô nhỏ, phân tán. Sau TPP, bà Thúy cho biết sẽ phát triển CNHT định hướng XK, tạo động lực cho phát triển công nghiệp ôtô trong nước.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều ưu đãi đầu tư mang lại hiệu quả trong dài hạn nhưng DN vẫn chưa tận dụng được trong thời điểm hiện tại do thị trường nhỏ, đồng thời cũng chưa có kế hoạch đầu tư mới hay đầu tư mở rộng.
Bên cạnh đó, các ưu đãi về thuế như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cần tính toán kỹ lưỡng để phát triển thị trường. Bởi lẽ, nếu giảm mạnh thì chỉ mang lại lợi ích cho các nhà NK, nếu tăng quá cao lại gây khó khăn cho DN sản xuất. Quy mô thị trường tăng trưởng phải song hành với năng lực sản xuất và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước thì thị trường mới phát triển một cách lành mạnh.
Trên cơ sở đó, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp cho rằng, việc giảm thuế NK PTLK cần tập trung vào những PTLK không đáp ứng được ở trong nước, chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí sản xuất, từ đó cắt giảm chi phí, giá xe. Nghị định 111 về CNHT cần có những nội dung cụ thể hơn về phát triển ngành công nghiệp, hỗ trợ sản xuất trong nước và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, cần phát triển CNHT theo định hướng XK. Trong đó, thu hút FDI vào sản xuất PTLK (nhà cung cấp cấp 1) từ các cường quốc ôtô. Đồng thời, nâng cao năng lực của DN trong nước bằng việc hình thành mạng lưới nhà cung cấp cấp 2, cấp 3.
Giá ô tô có thể giảm một nửa từ 2019?
Theo Khánh Linh / Lao động