Thị trường smartphone Việt Nam nhiều năm qua, được các thương hiệu lớn như Samsung, Apple chiếm lĩnh phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, từ năm 2015, thị trường xuất hiện thêm nhiều thương hiệu mới tạo ra một cuộc chiến mới cho các thương hiệu “chiếu dưới”.
Theo Công ty chuyên nghiên thị trường GfK (Đức), từ năm 2014 đến tháng 5/2016, điện thoại di động của Việt Nam có giá dưới 6 triệu chiếm tới 4/5 thị phần. Công ty này cũng dự báo, trong năm 2016, doanh thu smartphone dự kiến sẽ đạt 65 - 70% tổng doanh thu bán ra của thị trường điện thoại di động. Đây được coi như cánh cửa rộng lớn cho những thương hiệu smartphone giá rẻ thâm nhập thị trường Việt Nam.
Tháng 7 năm nay, hãng điện thoại Elephone (Trung Quốc) giới thiệu ở thị trường Việt Nam hai mẫu điện thoại P9000 và S1. Đến tháng 10, Hãng điện thoại Meizu (Trung Quốc) cũng tham gia thị trường “chiếu dưới” tại Việt Nam bằng mẫu smartphone Meizu MX6. Gần đây nhất, FreeTel (Nhật Bản) tham gia thị trường smartphone Việt Nam bằng 5 dòng điện thoại mới gồm Ice2, Ice2+, Priori 3S, Musashi và REI. Các sản phẩm này có mức giá bán từ 990.000 đồng đến 5,99 triệu đồng. Ngoài ra, hãng điện thoại CoolPad cũng hợp tác với nhà phân phối PSD ở Việt Nam và đặt kỳ vọng chiếm 5% thị phần trong 3 năm tới.
Thị trường smartphone Việt thương hiệu "chiếu dưới" dậy sóng. Ảnh: Gia Huy
Với chiến lược giá rẻ để cạnh tranh, các mẫu này thường có giá thấp hơn ít nhất là 40% so với các mẫu có thương hiệu, cùng cấu hình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp smartphone cũng chịu rủi ro khi đi theo chiến lược này. Đó là vị trí không bền vững khi các hãng điện thoại “chiếu trên” ra sản phẩm mới, giảm giá các mẫu cũ hoặc đưa ra các dòng sản phẩm cùng phân khúc. Ông Nguyễn Mạnh Tín, Giám đốc Công ty Thế giới di động Trường Tín tại TP.HCM cho biết, khách tới mua smartphone thường chọn lựa sản phẩm của các hãng lớn, dù là công nhân, hay sinh viên ít tiền, vì họ được hỗ trợ cho vay trả góp từ ngân hàng, trong khi sản phẩm của các thương hiệu mới có mẫu mã và tính năng không khác mấy sản phẩm các hãng tên tuổi. Chính vì thế, để có lợi nhuận, các hãng điện thoại “chiếu dưới” phải bán được các mẫu smartphone có giá từ 7 triệu trở lên.
Đơn cử như Huawei Việt Nam, sau khi làm rung động thị trường Việt Nam với mẫu Honor 4C giá rẻ hồi năm ngoái, Công ty cũng bắt đầu đưa về các mẫu điện thoại cao cấp. Ông Shawn Shu, Tổng giám đốc Huawei CBG Việt Nam cho biết, sau hơn 1 năm gia nhập thị trường, Huawei hiện có 2,5% thị phần ở Việt Nam và phấn đấu hướng tới con số 5% vào cuối năm nay.
Một trường hợp khác là Mobiistar, thương hiệu Việt Nam, cũng góp mặt với 6% thị phần trong bảng thống kê của IDG quý I vừa qua. Thành công của Mobiistart ở chỗ, nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng và có các kênh chăm sóc cộng đồng tốt.Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thành công nhất trong nhóm sản phẩm “chiếu dưới” suốt 4 năm qua chính là Oppo. Theo báo cáo quý I/2016 của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC, Oppo đang chiếm 23% thị phần smartphone Việt Nam, trong đó, phân khúc từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng chiếm phần lớn sản lượng bán ra, khoảng 60%.
Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Tiếp thị Oppo Việt Nam và Thái Lan chia sẻ, yếu tố quyết định thành công của Oppo đến từ việc đầu tư vào hệ thống bảo hành toàn quốc gồm 40 trung tâm do chính Công ty tuyển dụng và quản lý. Trong thời gian tới, Oppo sẽ tập trung vào việc rút ngắn thời gian bảo hành, từ 60 phút đến một ngày.
Ông Tín cho rằng, thị trường smartphone Việt Nam dễ với những ai chịu đầu tư và khó với những ai xem thị trường này dễ tính. Asus, Oppo là hai ví dụ điển hình về việc có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam bài bản, từ khâu tiếp thị cho đến chăm sóc các nhà phân phối.
“Chính sự đầu tư bài bản này mà cách đây hơn một năm, các mẫu điện thoại của Oppo rất khó bán, nhưng hiện nay, sức tiêu thụ tại Trường Tín khá tốt. Cũng như vậy, các sản phẩm của Asus luôn có được sự quan tâm nhất định. Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn và có nhiều lựa chọn hơn. Vì vậy, họ quan tâm đến các hãng có thiết kế bắt mắt, truyền thông đều đặn và sản phẩm phải thực sự tốt. Việc chạy đua phần cứng và giá thành không có nhiều ý nghĩa, nếu phần mềm của thiết bị hoạt động không đồng bộ”, ông Tín nói.
Đến thời điểm hiện tại, thị trường chiếu dưới không thể quanh quẩn ở câu chuyện giá rẻ. Các hãng sản xuất điện thoại phải cho thấy cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam nhiều hơn nữa. Cùng với đó là liên kết để mở rộng hệ thống bảo hành trên toàn quốc. Các doanh nghiệp có quyền lựa chọn, vì thực tế đã chứng minh, hoặc đầu tư bài bản hoặc đi về tay không.
Gia Huy / baodautu