Trước sự đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS) sau cú “đấm bồi” của đại dịch Covid-19, người mua có tâm lý chờ giá BĐS giảm sâu để mua vào. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng điều này khó xảy ra trong thời điểm này...
Lượng giao dịch giảm nhưng nhu cầu vẫn tăng cao
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường BĐS, dường như bị đóng băng. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, quý 1/2020 nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay; khoảng 800/1.000 sàn giao dịch trên cả nước đã tạm ngưng hoạt động; hàng loạt môi giới bất động sản mất việc.
Tới gần cuối quý 2/2020, việc nguồn cung sụt giảm có nhiều nguyên nhân, không chỉ do Covid-19 mà còn xuất phát từ các năm trước bởi nhiều quy định pháp luật chồng chéo. Về giá cả, do cung giảm nhưng nhu cầu cũng giảm nên giá không có biến động nhiều. Trong khi đó, giao dịch đang có giảm sút do cầu giảm.
Tâm lý của người mua vẫn đang ngóng chờ để bắt đáy BĐS. Ảnh: V.D
Mặc dù đang trong thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khiến thị trường BĐS bị đứng hình. Tuy nhiên nhu cầu tìm kiếm và quan tâm đến BĐS vẫn duy trì ở mức độ cao, gần như không giảm nhiều so với thời điểm cuối năm 2019 mặc dù thị trường đang gặp khó khăn và trầm lặng vì tháng "ngâu".
Đây được xem là dấu hiệu khá tích cực khi mà hầu hết các hoạt động kinh tế, du lịch, giải trí gần như chững lại vì tác động của dịch Covid-19, các chủ đầu tư trì hoãn việc bán hàng và chuyển sang hình thức online.
Mặc dù nhu cầu về nhà ở rất lớn, thế nhưng lượng giao dịch, mua bán BĐS trong các tháng qua lại không hề cao. Báo cáo tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý 2/2020 từ Bộ Xây dựng cho thấy, tại TP.HCM có 3.958 giao dịch thành công, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2019.
Tâm lý chờ chạm đáy BĐS của người mua
Thị trường ảm đạm khiến người mua BĐS có tâm lý e dè, chờ đợi giá tiếp tục giảm sâu để xuống tiền. Anh T.V. Hải – một nhà đầu tư tại Bình Dương cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, anh quan tâm hơn đến kênh đầu tư là bất động sản thay vì gửi tiền tiết kiệm vì lãi suất thấp. Thế nhưng, lăn lộn suốt nhiều tháng qua trên khắp các khu vực như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…để tìm mua nhưng vẫn chưa thể tìm được mảnh đất hay căn nhà nào ưng ý.
Lý giải về điều này, anh Hải nói rằng tình hình thực tế tại mỗi khu vực khác nhau, có nơi thì giá vẫn tăng, thậm chí có khu vực "nóng sốt" như khu Đông của TP.HCM sau khi có thông tin thành lập TP. Thủ Đức. Còn lại một số nơi thì trầm lắng, giá giảm nên khiến anh lưỡng lự xuống tiền và quyết định chờ bắt đáy.
Tâm lý bắt đáy khiến không ít nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội sở hữu nhà đất, động thái chờ giá giảm sâu khiến nhiều người dù có nhu cầu mua nhà vẫn không quyết định xuống tiền mà chỉ đứng ngoài quan sát.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường từ đầu năm đến nay đều ghi nhận chiều hướng chung là giá BĐS không hề giảm. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, giá bán nhà ở trên thị trường vẫn tăng trong quý 2/2020. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2020, trong khi đó, tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý I/2020.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay tham gia vào thị trường chủ yếu vẫn là những nhà đầu tư có kinh nghiệm. Họ hiểu thị trường và thấy được cơ hội khi nhà đất khó khăn.
Riêng với những nhà đầu tư mới, việc nguồn hàng thiếu sự đa dạng, nhất là sản phẩm trung cấp, bình dân sẽ tạo ra tâm lý khá e dè. Họ vẫn chờ đợi đến thời điểm mà nguồn cung bung ra dồi dào hơn, nhiều sự lựa chọn hơn, thay vì liều lĩnh.
Bên cạnh tâm lý thận trọng khi xuống tiền với BĐS thì tâm lý chờ nhà đất xuống giá cũng đang kéo sức mua của thị trường lúc này, không chỉ dân đầu tư mà cả với người mua ở thực. Nhiều khách mua BĐS ở thời điểm này cho rằng, với làn sóng Covid-19 thứ 2, giá BĐS có thể sẽ giảm sâu ở một số phân khúc nên quyết định nghe ngóng thêm để mua được giá hời.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thị trường khan hiếm nguồn cung cùng với thông tin hạ tầng ngày một tích cực, giá BĐS rất khó có chuyện giảm sâu mà có thể sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm khi nguồn cung sơ cấp mới đổ bộ thị trường.