Vật liệu xây dựng (VLXD) là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn từ dịch Covid-19. Hiện các doanh nghiệp (DN) VLXD đang gặp rất nhiều khó khăn cả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2019, thị trường VLXD Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường này tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề.
Trên thựcc tế, ngành VLXD luôn gắn liền với sự phát triển của lĩnh vực bất động sản (BĐS) và nhu cầu đầu tư xây dựng của người dân. Trong quý 1/2020, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung mới và sức cầu của hầu hết các phân khúc nhà ở. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về vật liệu xây dựng như: sắt thép, xi măng, gạch xây, gạch men, thiết bị nội thất… đều giảm mạnh.
Ngành vật liệu xây dựng đang gặp nhiều khó khăn ở thị trường trong nước và xuất khẩu do tác động của dịch bệnh Covid-19
Bên cạnh đó, thị trường BĐS năm 2020 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do các chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc nhiều địa phương hạn chế phê duyệt dự án mới, kéo theo đó các doanh nghiệp (DN) VLXD cũng gặp khó. Ngoài ra, các dự án công trình xây dựng lớn, trọng điểm về hạ tầng giao thông bị ngưng trễ do tác động từ dịch Covid-19 cũng tác động trực tiếp đến thị trường VLXD.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, lượng tiêu thụ VLXD trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, chỉ đạt 70-75% so với cùng kỳ năm 2019, nhiều ngành thậm chí chỉ đạt mức tiêu thụ xấp xỉ 50% so với thời điểm cuối năm 2019.
Ở góc độ hiệp hội DN, TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - cho biết, các DN sản xuất xi măng gặp nhiều khó khăn cả ở thị trường tiêu thụ trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, mặc dù sản xuất vẫn duy trì tốt. Hiện nay tiêu thụ xi măng nội địa giảm sút chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2019, và bằng 48% so với cuối năm 2019. Trong khi đó xuất khẩu xi măng, clinker giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 70% so với cùng kỳ 2019 và bằng 56% so với cuối năm 2019; tổng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chỉ bằng 51% so với cuối năm 2019.
Tương tự, các DN sản xuất sắt thép cũng gặp nhiều khó khăn tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu do tác động của dịch bệnh Covid-19, kéo theo sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép công nghiệp xây dựng, hạ tầng cơ sở… Cụ thể, tiêu thụ sản phẩm thép xây dựng trong quý 1/2020 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 15%, trong đó xuất khẩu giảm 14% và tiêu thụ nội địa giảm 16%.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Đăng Minh – Trợ lý Chủ tịch Tập đoàn Gạch men Hoàng Gia cho biết: sản phẩm tiêu thụ của công ty trong hơn 3 tháng đầu nay năm giảm mạnh. Thị trường các tỉnh phía Nam giảm 20%, miền Trung 30 -40%, còn ở miền Bắc giảm từ 40-50% thậm chí một số tỉnh đến 80%.
Không những các DN sản xuất, chủ một số đại lý, cửa hàng VLXD cũng cho biết, từ sau Tết, đặc biệt từ khi thực hiện chỉ thị số 16 về giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, lượng khách hàng tìm mua VLXD các loại giảm mạnh, nhiều cửa hàng chỉ mở của cho có chờ hết dịch.
Theo ghi nhận, để duy trì sản xuất ổn định, nhiều DN chủ động phòng, chống dịch, đồng thời tính phương án cơ cấu lại sản xuất, hỗ trợ, chia sẻ với khách hàng trong mùa dịch. Đơn cử, Tập đoàn Gạch men Hoàng Gia đang tìm giải pháp chia sẻ những khó khăn, đồng hành với khách hàng trong mùa dịch. Tùy theo địa bàn, địa phương mà công ty có chương trình cụ thể giảm giá hay mua hàng tặng hàng, giãn nợ cho đại lý…
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường VLXD. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về vốn, tín dụng, tài chính, thuế… các tập đoàn, DN sản xuất VLXD cũng cần nỗ lực gấp nhiều lần để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.