Oxfam vừa lên tiếng cảnh báo về một cuộc đua xuống đáy nguy hiểm về thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu nhằm thu hút đầu tư. Việt Nam có nằm trong vòng xoáy đó?
Một báo cáo vừa được Oxfam công bố vào đầu tuần này đã “điểm mặt, chỉ tên” 15 thiên đường thuế trên thế giới, như Bermuda, quần đảo Cayman, Hà Lan, Thụy Sỹ, Singapore… Thêm nữa, Oxfam cũng lên tiếng cảnh báo rằng, các quốc gia thiên đường thuế cũng chính là những nước dẫn đầu trong cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu.
Câu chuyện nằm ở chỗ, tất cả các quốc gia đều bị cuốn vào cuộc đua này. “Với nỗ lực thu hút doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới đang cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp - gây hại cho nền kinh tế của chính quốc gia đó và của các quốc gia khác trong quá trình này”, Oxfam cảnh báo và cho rằng, chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp là việc rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam.
Để thu hút đầu tư, nhiều quốc gia đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gây hại cho nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh
Trong khuyến nghị của mình, Oxfam cũng nhấn mạnh việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đến từ các thiên đường thuế càng ngày càng thường xuyên hơn, tăng 47% chỉ trong vòng một năm. Và một số vùng lãnh thổ nằm trong danh sách thiên đường thuế tồi tệ nhất của Oxfam đang tăng cường các hoạt động và ngày càng trở thành nguồn đầu tư thường xuyên tại Việt Nam, như BVI, Jersey, Luxembourg, quần đảo Cayman hoặc Bermuda...
“Không có cơ chế quản lý phù hợp sẽ dẫn đến rủi ro là lợi nhuận của các khoản đầu tư này sẽ không được giữ tại Việt Nam”, Oxfam lên tiếng và khuyến nghị rằng, tại Việt Nam, mặc dù ưu đãi thuế được sử dụng rộng rãi, nhưng lại có ít bằng chứng cho thấy ưu đãi thuế giúp tăng đầu tư hoặc tăng trưởng kinh tế.
“Các ưu đãi thuế lớn nhất, cụ thể là miễn thuế có thời hạn, được dành cho khoản đầu tư lớn trong sản xuất và bất động sản. Các khoản đầu tư này vẫn được thực hiện cho dù không có các ưu đãi này, làm thất thoát một khoản doanh thu đáng kể mà không mang lại lợi ích kinh tế đi kèm”, Oxfam bày tỏ quan điểm.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Oxfam lên tiếng cảnh báo về điều này. Tại Việt Nam, ActionAid cũng đã từng lên tiếng con số 20 triệu USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp bị giảm mỗi năm do Việt Nam đang coi ưu đãi thuế như một đòn bẩy để kích thích FDI. Tổ chức này, cũng như không ít chuyên gia kinh tế Việt Nam đã hơn một lần đặt câu hỏi liên quan đến “sự hào phóng” không đáng có dành cho các doanh nghiệp FDI.
Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại, chuyên gia về FDI, đã nhiều lần khẳng định rằng, không thể bỏ chính sách ưu đãi đầu tư dành cho các dự án FDI. “Trong khi các quốc gia khác đang tham gia vào cuộc cạnh tranh thu hút FDI bằng những ưu đãi rất lớn cho nhà đầu tư, nếu chúng ta đưa ra ưu đãi kém hơn, vốn FDI sẽ vào các quốc gia khác như Malaysia hay Indonesia thay vì Việt Nam”, ông Mại nói.
Mặc dù, trên thực tế, đúng là thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là lý do chính để các công ty lựa chọn địa điểm đầu tư. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, có 12 lý do để các công ty chọn đầu tư vào một quốc gia, như chất lượng kết cấu hạ tầng, sự có sẵn của lực lượng lao động có trình độ và sức khỏe, tình hình ổn định xã hội của quốc gia đó…, song ưu đãi thuế lại luôn là một điểm cộng quan trọng để các nhà đầu tư ra các quyết định đầu tư vào một quốc gia nào đó.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi đầu năm nay cũng đã chỉ ra rằng, các quốc gia đang phát triển trên thế giới đã và đang tạo ra những điều kiện ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI để thu hút đầu tư.
“Malaysia là một ví dụ. Năm 1996, chính sách thu hút đầu tư đã khiến quốc gia này chấp nhận giảm thu khoảng 2,4 tỷ USD chỉ riêng từ việc bãi bỏ thuế thu nhập lũy tiến và thuế kinh doanh. Đổi lại, Malaysia nhận được lợi ích tương đương với 30.000 USD trên mỗi việc làm mà doanh nghiệp FDI tạo ra”, báo cáo PCI 2015 viết.
Nhìn từ khía cạnh này, có thể thấy các khoản miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và nhà đầu tư chỉ là chi phí cơ hội. Việt Nam cũng đã chấp nhận mất các khoản chi phí cơ hội đó để thu hút đầu tư của các tên tuổi lớn như Intel, LG, Samsung, Microsoft… và ghi tên mình vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn này.
Thêm vào đó, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, không nên chỉ nhìn vào những đồng thuế mất đi, mà phải nhìn vào những lợi ích do các dự án FDI mang lại, từ giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy các hoạt động R&D… để “cân đong” giữa chi phí và lợi ích của ưu đãi thuế nhằm thu hút FDI. Việc Chính phủ Việt Nam dành ưu đãi đầu tư cho các dự án FDI là dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư, chứ không phải là một sự “hào phóng” không đáng có.
Hiển nhiên, vẫn có những nhà đầu tư lợi dụng chính sách này để trục lợi và do đó, những cảnh báo từ Oxfam không phải không có lý. Theo khuyến nghị của tổ chức này, Chính phủ Việt Nam cần rà soát các chính sách ưu đãi thuế và thực hiện phân tích chi phí - lợi ích một cách thận trọng và mang tính dài hạn trước khi ban hành và sau khi thực hiện chính sách ưu đãi thuế, cả về khía cạnh xã hội lẫn bình đẳng giới. “Trong phân tích chi phí - lợi ích, những lợi ích của chính sách ưu đãi thuế cần được cân nhắc với chi phí cơ hội của chính sách”, Oxfam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đề cập việc Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Nghị định về chống chuyển giá, Oxfam cũng cho rằng, Việt Nam cần bổ sung quy định yêu cầu tất cả công ty đa quốc gia công bố báo cáo tài chính tại các quốc gia họ đang có hoạt động kinh doanh, từ đó làm rõ công ty đang nộp những loại thuế nào và tại đâu. Điều này có thể cũng là cần thiết, khi mà câu chuyện chuyển giá của các doanh nghiệp FDI luôn gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Nguyên Đức / baodautu