Với sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, một mặt bằng lãi suất cho vay mới được thiết lập và đang tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống ngân hàng. Những tháng còn lại của năm, nguồn vốn với lãi suất hợp lý dự báo sẽ được đẩy mạnh vào nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 10 - 14/10/2016, một vài ngân hàng đã điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động và cho vay. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-5,0%/năm, lãi suất trung, dài hạn ở mức 5,0-6,0%/năm.
Từ giữa tháng 10, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã có sự thay đổi tích cực, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay ở kỳ hạn ngắn để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế những tháng cuối năm. Theo đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn. Cụ thể, với lĩnh vực ưu tiên, lãi suất của tất cả các khoản vay hiện còn dư nợ trên 6%/năm được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm, giảm sâu 1%/năm so với mặt bằng hiện nay. Lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp cũng được giảm còn tối đa 6%/năm, giảm đến 2%/năm so với mặt bằng hiện nay. Ngoài ra, đối với DN sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank sẽ được xem xét điều chỉnh giảm lãi suất sâu hơn.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) ngay lập tức cũng công bố hạ lãi suất cho vay với mức giảm từ 1% - 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các DN vừa và nhỏ. Ngay sau đó, lãi suất cho vay tại BIDV cũng được điều chỉnh, trong đó, áp dụng lãi suất tối đa 6%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các DN khởi nghiệp, DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường, DN có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 5,5%/năm đối với DN, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung. Ngoài ra, BIDV tiếp tục triển khai các chương trình, gói tín dụng có lãi suất ưu đãi cho các DN xuất nhập khẩu quan trọng, các khách hàng xuất nhập khẩu với thị trường Nga, Myanmar, Lào, Campuchia và các nước tham gia Hiệp định Thuế quan Á - Âu… với lãi suất từ 4,5 - 6,0%/năm.
Ông Nguyễn Đình Minh - Giám đốc một DN chế biến gỗ có trụ sở tại Hà Nội - cho biết, quyết định hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng thực sự là động lực lớn cho DN, bởi mùa kinh doanh cuối năm thường rất cần vốn lưu động. Chỉ giảm từ 0,5-1% lãi suất cho vay cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho DN trong bối cảnh hiện nay.
TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank - bày tỏ: Hạ lãi suất là cơ hội để ngân hàng thu hút khách hàng tốt trong dài hạn, đồng thời giúp DN giảm chi phí, phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, cả ngân hàng và nền kinh tế đều có lợi.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, động thái hạ lãi suất của một số ngân hàng thương mại lớn hiện nay là tiền đề tích cực để các ngân hàng khác “trông theo” nhằm đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý hơn, tạo điều kiện cho DN hoạt động có hiệu quả.
Trong nghị quyết phiên họp tháng 9/2016 vừa được Chính phủ ban hành, trọng tâm những tháng cuối năm 2016, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. |
Duy Minh / baocongthuong