Lãnh đạo một số địa phương cho biết khi tìm cách chủ động vaccine phòng Covid-19 để sớm tiêm cho người dân, họ gặp khó khăn về nguồn cung và cơ chế triển khai.
Sau khi TP HCM được Chính phủ đồng ý cho nhập vaccine, lãnh đạo Đà Nẵng đã gửi văn bản đến Bộ Y tế và Chính phủ để xin cơ chế tương tự. "Hôm 16/6, thành phố tiếp tục xin ý kiến Chính phủ để tự mua vaccine tiêm cho người dân. Chúng tôi cũng đang tìm nguồn cung cấp vaccine để đàm phán", bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay.
Đà Nẵng cần tiêm vaccine cho khoảng 800.000 người, tương đương với 1,6 triệu liều. Đến nay qua 3 đợt phân bổ của Bộ Y tế, thành phố mới nhận được khoảng 33.000 liều.
"Chính phủ đã có cơ chế mở để địa phương, doanh nghiệp chủ động tiếp cận mua, nhập vaccine. Song vấn đề đặt ra là khả năng của địa phương và doanh nghiệp trong việc này như thế nào, vì hiện nay để tiếp cận, đàm phán được nguồn vaccine thường phải ở cấp Chính phủ. ", ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, chia sẻ băn khoăn.
Theo ông, hiện các doanh nghiệp và địa phương như Đà Nẵng khi tiếp cận nguồn vaccine rất khó đàm phán trực tiếp mà phải thông qua kênh thứ ba. Trong khi đó, mong muốn của địa phương là nguồn vaccine chính thống, rõ ràng về nguồn gốc; giá; cơ chế vận chuyển, bảo quản đáp ứng yêu cầu; cơ chế tiêm đảm bảo an toàn, nhanh chóng...
"Đây là những vấn đề khó. Ví dụ, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vaccine thì phải qua một đơn vị trung gian và không thể đàm phán về giá", ông Quảng nói và khẳng định dù còn nhiều vướng mắc nhưng Đà Nẵng "quyết tâm bằng mọi cách để chủ động tiếp cận nguồn vaccine, kêu gọi các nguồn kinh phí hợp pháp và ngân sách để tiêm chủng mở rộng cho người dân thành phố".
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Tại Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết lâu nay địa phương đã chuẩn bị ngân sách và các nguồn lực cần thiết để mua vaccine.
"Vĩnh Phúc có nhiều nguồn mua vaccine. Đơn cử, có đơn vị trong tỉnh đã tiếp cận được đối tác ở Singapore để mua 12 triệu liều vaccine Pfizer. Tỉnh đã đề cập việc này với một trong số 36 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu vaccine, để đàm phán và tiến hành các công đoạn tiếp theo", ông Thành nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vĩnh Phúc nói vướng mắc hiện nay là tất cả các địa phương, doanh nghiệp muốn nhập khẩu vaccine đều phải thông qua 36 đơn vị đã được Bộ Y tế cấp phép. Hơn nữa, vaccine là hàng hóa đặc thù, lại được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp, nên cần Bộ Y tế kiểm định chất lượng. "Dù chúng tôi có ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, cũng phải thông qua 36 đơn vị này, để họ nhập về. Như vậy địa phương đâu được chủ động? Chúng tôi cũng chưa biết rõ sẽ được chủ động đến đâu", ông Thành nêu vấn đề.
Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần có văn bản giao quyền rõ ràng, cụ thể để tạo điều kiện cho các địa phương xúc tiến mua vaccine; các địa phương cũng cần được giao trách nhiệm để chủ động nguồn mua. Bộ Y tế sẽ cùng tham gia vì đây là sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dân, tránh tình trạng các địa phương mua phải vaccine giả. "Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương mua, nhập vaccine, bởi nhiều doanh nghiệp, địa phương có mối quan hệ với đối tác nước ngoài", ông Thành nói.
Ngoài ra, ông Thành đề xuất Chính phủ ưu tiên vaccine cho Vĩnh Phúc bởi đây là cửa ngõ từ Hà Nội đến các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Vĩnh Phúc có hơn 250.000 công nhân trong các khu công nghiệp, đóng góp ngân sách hàng năm cho Trung ương lớn.
"Việc tự mua, nhập khẩu vaccine gặp khó khăn nên hiện nay chúng tôi vẫn chờ đợi nguồn vaccine từ Chính phủ", ông Thành nói thêm.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Viết Tuân
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho hay khi nhận được thông tin TP HCM đã được chủ động mua và nhập vaccine, ngay tối 15/6, lãnh đạo tỉnh đã bàn về việc này.
Hiện Bắc Ninh đang dự tính hai phương án, nếu tỉnh đứng ra mua thì phải đấu thầu; hoặc các đơn vị sẽ đăng ký số lượng, một doanh nghiệp đứng ra tập hợp nguồn lực để mua. "Nếu phải đấu thầu thì sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng để doanh nghiệp làm đầu mối đứng ra mua, sau đó phân phối cho các đơn vị khác trong tỉnh, thì ai có đủ bản lĩnh và uy tín để đảm đương việc này?", ông Tuấn chia sẻ trăn trở.
Vì vậy, những ngày tới Bắc Ninh sẽ tham khảo cách làm của TP HCM để rút kinh nghiệm. Bắc Ninh cần 2,3 triệu liều vaccine để tiêm cho tất cả người dân đủ 18 tuổi trở lên. "Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn về chủ trương này, để tìm giải pháp tối ưu, sớm có vaccine tiêm chủng cho người dân", ông Tuấn nêu quyết tâm.
TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ chấp thuận chủ trương mua và nhập vaccine Covid-19.
Theo kiến nghị gửi Thủ tướng hôm 11/6, TP HCM đặt mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số. Thành phố hiện có 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Sau khi vaccine được nhập về, kiểm định chất lượng, doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê đơn vị có chức năng tiêm cho nhân viên. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, thành phố đã đàm phán để mua 5 triệu liều vaccine Covid-19.
Ngày 15/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của UBND TP HCM về việc mua và nhập khẩu vaccine Covid-19. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép, kiểm định, quản lý chất lượng vaccine; chỉ đạo, hướng dẫn việc tiêm chủng.