Tình trạng thiếu hụt nguồn cung giúp các doanh nghiệp phân phối ô tô có ưu thế khi đưa ra giá bán xe và tăng mạnh biên lợi nhuận. Dù thế, từ tháng 4, doanh số bán xe bắt đầu sụt giảm.
"Thị trường vẫn có xu hướng tăng trưởng 15% so với năm 2020. Đây là tín hiệu tích cực", lãnh đạo Savico, một trong những doanh nghiệp phân phối ôtô có thị phần lớn nhất thị trường với hơn 9%, trả lời cổ đông trong phiên họp đại hội thường niên tổ chức ngày 10/6, về tác động của dịch Covid-19 lên thị trường kinh doanh ô tô.
Lãi đậm ba tháng đầu năm
Quý I năm nay, Savico tăng trưởng doanh thu 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.537 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp phân phối xe hơi này cải thiện đáng kể khi biên lợi nhuận gộp tăng thêm 1,2%, đạt 7,6%. Đây là tỷ suất lãi gộp cao kỷ lục của Savico trong một quý.
Ngoài ra, công ty cũng tiết giảm các chi phí hoạt động. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Savico quý I tăng lên 89 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ 2020.
Biểu đồ: Việt Đức.
Haxaco, đơn vị có thị phần phân phối xe sang Mercedes-Benz lớn nhất Việt Nam (39%), ghi nhận doanh số tăng trưởng tới 56% so với quý I năm trước, đạt 1.436 tỷ đồng. Tương tự Savico, biên lợi nhuận của đại lý Mercedes này cũng tăng mạnh lên 7,8%.
Ngoài việc cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, Haxaco kiểm soát dư nợ vay ở các ngân hàng, tiết giảm chi phí lãi vay. Nhờ đó, lợi nhuận ròng sau 3 tháng đầu năm của nhà phân phối xe sang này lên tới 56 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ lãi vỏn vẹn 3 tỷ.
City Auto, doanh nghiệp chuyên phân phối xe Ford, Hyundai, cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng mạnh, gấp 32 lần so với quý I năm trước. Tuy nhiên, doanh số của công ty này chỉ tăng nhẹ 4%. Khoản lợi nhuận đột biến ngoài việc cải thiện tỷ suất lãi gộp còn nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính, xử lý công nợ lâu năm.
Nhận định kết quả kinh doanh tốt trong quý I khi thị trường tiêu thụ xe hơi hồi phục nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp phân phối ô tô cũng thừa nhận những con số tăng trưởng ấn tượng còn thấp do nền so sánh quá thấp của cùng kỳ năm trước. Quý I/2020 là thời điểm sức mua trên thị trường ô tô xuống dốc khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Biểu đồ: Việt Đức.
Thị trường chững lại
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số ô tô trên toàn thị trường tăng trưởng hơn 30% trong quý I so với cùng kỳ 2020. Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường ô tô trong nước có nhiều động lực tăng trưởng.
Cụ thể, nhiều thương hiệu như Mitsubishi, VinFast, Mercedes-Benz, Honda, MG chủ động hỗ trợ phí trước bạ cho khách hàng sau khi chính sách giảm 50% phí trước bạ của Chính phủ hết hạn cuối năm 2020. Bên cạnh đó, 2021 là năm đầu tiên của chu kỳ mới nên nhiều mẫu xe mới được các hãng ra mắt. Ngoài ra, sức mua trong những tháng đầu năm cũng phục hồi khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, từ tháng 4, doanh số bán ô tô tại Việt Nam bắt đầu sụt giảm. Đặc biệt, trong tháng 5, lượng ô tô bán ra trên thị trường chỉ còn gần 25.600 xe, giảm gần 4.500 chiếc so với tháng trước. Nếu loại trừ tháng 2 với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, tháng 5 chứng kiến doanh số ô tô thấp nhất từ đầu năm. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp, đặc biệt tại TPHCM, đang tác động lên thị trường.
Biểu đồ: Việt Đức.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ ô tô là tình trạng thiếu hụt nguồn cung xe vì khan hiếm chip. VDSC dự báo tình trạng khan hiếm chip bán dẫn để sản xuất ô tô chỉ được giải quyết sớm nhất vào quý IV năm nay.
Chuyên gia phân tích của VDSC dự báo doanh số bán ô tô trong quý II, III khó tăng trưởng và nhiều khả năng chỉ đi ngang vì nguồn cung hạn chế. Nhưng hiện tượng này một mặt cũng giúp các doanh nghiệp phân phối xe hơi được lợi.
Tình trạng thiếu xe cho các đại lý ô tô lợi thế để đưa ra mức giá cao hơn với người mua, qua đó gia tăng biên lợi nhuận. Khảo sát của SSI Research tại một số showroom Mercedes trong nước cho thấy khách hàng có thể phải trả cho nhà phân phối nhiều hơn 8-10% so với mức giá niêm yết với một số mẫu xe sang.